'Khống chế giờ làm thêm của sinh viên chưa phù hợp với bộ luật Lao động'

Thu Hằng
Thu Hằng
08/05/2024 18:57 GMT+7

Việc khống chế giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là chưa phù hợp với bộ luật Lao động, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.

Đây là ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khi góp ý vào dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân.

'Khống chế giờ làm thêm của sinh viên chưa phù hợp với bộ luật Lao động'- Ảnh 1.

Sinh viên làm việc bán thời gian tại một quán cà phê ở TP.HCM

PHẠM HỮU

Theo dự thảo luật Việc làm sửa đổi, học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Đây là nội dung mới, lần đầu tiên được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất đưa vào dự thảo luật, nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết tổ chức công đoàn đề nghị xem xét và điều chỉnh lại bởi nếu quy định như trong dự thảo thì lực lượng lao động là học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động sẽ bị khống chế thời gian làm việc. Do đó, nội dung này chưa phù hợp với bộ luật Lao động.

Mặt khác, với trường hợp học sinh, sinh viên xa nhà thuộc gia đình có thu nhập thấp, bị hạn chế thời gian làm việc sẽ làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, không thấp hơn lương tối thiểu giờ.

"Thực tế, khi thỏa thuận về vấn đề tiền lương, người lao động là học sinh, sinh viên ở vị trí yếu thế trong quan hệ việc làm. Vì vậy, cần phải quy định giới hạn sàn tối thiểu về mức lương để tránh việc người sử dụng lao động trả lương quá thấp, không tương xứng với sức lao động của người lao động bỏ ra khi thực hiện công việc. Hơn nữa, học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian được bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động", ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Về trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giao trách nhiệm này về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung này chưa phù hợp, cần nghiên cứu, do trách nhiệm quản lý lao động là trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH và doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục chỉ có trách nhiệm quản lý về mặt giáo dục.

Trước đó, góp ý vào nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc đưa ra quy định giới hạn giờ làm thêm chỉ áp dụng với học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại nước bản địa. Mục đích khống chế giờ làm thêm là để giữ việc làm cho lao động người bản địa. Mặt khác, đưa ra rào cản này còn để tránh trường hợp xin visa du học là để đi làm.

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu quản lý không chặt chẽ, có thể dẫn đến những hệ lụy như làm thêm giờ "chui", chủ sử dụng né tránh trả lương làm thêm giờ hoặc sinh viên bị "ép" trả lương thấp hơn khi làm quá thời gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.