Không chỉ Việt kiều, cả du học sinh cũng bị hải quan nhũng nhiễu !

16/01/2004 20:29 GMT+7

Trong những ngày qua Thanhnien Online tiếp tục nhận được thư của bạn đọc quan tâm đến vấn đề hải quan Tân Sơn Nhất nhũng nhiễu Việt kiều về thăm quê hương. Chúng tôi xin trích đăng một số thư tiêu biểu.

Tôi rất hoan nghênh Báo Thanh Niên đã đưa lên vấn nạn việc hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đòi tiền trắng trợn đối với Việt kiều về thăm quê hương. Có lần tôi về nước qua phi trường Los Angeles, thật ngạc nhiên khi nghe loa phóng thanh thông báo khách hàng không được đưa tiền cho nhân viên sân bay, được nói bằng tiếng Việt. Tôi nghĩ người ta là nước văn minh còn làm vậy, thì mình không gì phải xấu hổ nếu như cũng làm vậy. Thêm nữa có thể ghi công khai dòng chữ không được đưa tiền cho hải quan.

Tôi nghĩ ông chi cục hải quan đưa mấy cái số điện thoại đó cũng không giải quyết được gì, bởi vì đây là vấn đề nội bộ với nhau. Có lẽ chúng ta nên tìm cách liên lạc với cấp cao hơn, hay cả đến Thủ tướng chính phủ về vấn đề này. Không phải ngày nào chúng ta cũng nghe nói "Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của đất nước sao?". Nhưng chính những nhân viên hải quan đó đã tách rời chúng ta.

Qua đây mong Báo Thanh Niên tìm cách liên hệ với những cấp cao hơn nữa mới có thể giúp được những người kiều bào ở nơi xa mỗi lần về quê không phải e ngại mỗi lần qua cửa khẩu hải quan.

Tran Viet (solecelll@juno.com)

Tôi năm nay 54 tuổi, đã từng về Việt nam cách đây 17 năm, ngày đó phong cách làm việc của nhân viên sân bay thật lạc hậu vô trách nhiệm và cửa quyền lắm. Hôm nay, sau 17 năm, tôi mới trở lại quê nhà, những tưởng rằng khoảng thời gian 17 năm dài trôi qua với bao ký ức không đẹp lắm về hình ảnh nhân viên sân bay sẽ được xóa đi bởi những hình ảnh thân thương đầy trách nhiệm và tình người, thì nào ngờ tôi vẫn thấy những kiểu cách cũ đó vẫn như xưa.

Khi bước chân vào phòng dẫn ra sân bay ở nước ngoài, tôi phải đi qua những lớp kiểm tra hành lý của những nhân viên sân bay nơi đây, họ làm việc rất nhiêm túc và lịch sự. Quần tây áo sơ mi trắng thẳng e, cravat tề chỉnh, đón khách và kiểm tra hành lý thật tận tình lịch sự và không quên chúc quý khách lên đường bình an và có một chuyến đi vui vẻ. Ấn tượng đẹp đẽ đó làm cho con người thấy trân trọng và quý mến nhau hơn về nhân cách.

Hình ảnh đẹp đó được giữ mãi cho đến khi tôi đến phi trường sân bay Tân Sơn Nhất, nơi mà tôi hằng mong đợi được đặt chân trở lại sau 17 năm, đã làm cho những hình ảnh đẹp kia vụt tan biến mất. Trước mắt tôi thấy những dãy người chờ nhau làm thủ tục đi ra trong khi nhân viên sân bay thì còn đang ngồi vừa ăn vừa trò chuyện cười nói ầm ĩ.

Chờ mãi rồi cũng tới lượt phiên mình, tôi trình giấy tờ đầy đủ nhưng nhân viên sân bay không kiểm tra giấy tờ ngay mà hỏi lại tôi giỏ sách tay mang gì rồi quay mặt sang nhân viên ngồi quầy bên cạnh nói chuyện không cần biết tôi đã trả lời cái gì vì đã quá rõ ràng rằng tôi chỉ có một giỏ xách tay nhỏ không có một thứ máy móc hay một vật dụng nghiêm cấm nào và đã được kiểm tra kỹ lưỡng ở 2 phi trường nước ngoài, hơn nữa đây không phải là chỗ kiểm tra hành lý vậy thì tại sao lại hỏi về hành lý, phòng kiểm tra hành lý và máy kiểm tra nằm ở chỗ khác bên kia. Cái nóng và sự chờ đợi cùng với nỗi mệt của một chuyến bay dài giờ thêm nhìn thấy phong cách làm việc kiểu này khiến tôi càng mệt mỏi ngao ngán.

Tôi nhớ đến câu nói của người bạn ngày ra đi: sân bay ở Việt Nam kiểu làm việc cũng y như xưa thôi. Tôi thấy thật đúng. Đi ra phía ngoài một chút đặt tờ 10 USD và hộ chiếu rồi quay trở lại, cũng người nhân viên làm việc đó khi nãy nhưng giờ thì không thấy đặt câu hỏi gì khác nữa.
Tôi tự hỏi ông sếp của các nhân viên này có biết không? 17 năm rồi kia mà.

                                                Hoàng Long (hoanglong7722@yahoo.dk)

Tôi ra vô Việt Nam hơn 20 lần, lần nào cũng phải chứng kiến những bộ mặt lạnh lùng, khó chịu của mấy ông làm thủ tục. Tôi chẳng bao giờ cho một đồng nào dù họ có làm khó khăn mấy đi nữa tôi cứ cắn răng nhịn nhục và chịu trận. Tôi chỉ có vấn đề với mấy ông kiểm soát hộ chiếu chứ không bao giờ có vấn đề với những người ở chỗ kiểm soát hành lý trước khi rời sân bay. Các ông ấy hầu như lúc nào cũng có vẻ lạnh lùng và khó chịu.
Đây là bộ mặt đầu tiên của nước Việt Nam. Những hình ảnh này rất khó coi đối với những người mới đến Việt Nam. Tôi đề những người nầy phải biết tập cách xã giao, biết chào hỏi, niềm nở và vui vẻ. Phải bắt buộc họ nói được tiếng Anh, tiếng Pháp để nói chuyện với khách khi có trở ngại. Tuyệt đối không được hạch sách hay làm khó dễ du khách. Không được gây khó khăn những chuyện nhỏ nhặc để vòi tiền hối lộ. Không nên ra vẻ như ban ơn và muốn gây khó khăn cho ai thì làm, bất kể họ không có làm điều gì lầm lỗi. Làm được những điều trên, chúng ta mới lấy được thiện cảm du khách và chứng tỏ xã hội ta văn minh và con người của ta lịch sự. Mong lắm thay! 

Nguyen Long (Longnguyen@yahoo.com)

Đừng nói gì Việt kiều, tôi đi học Ph.D. về Tết cũng bị mấy ông Hải quan làm khó đủ điều. Nào phải làm lại cái này, nào phải làm lại cái kia... mặc dù vợ tôi còn say máy bay và đứa con thì còn nhỏ. Cuối cùng tôi là người ra sau cùng! Tôi nhớ ở sân bay Bangkok, thấy tôi bồng đứa nhỏ, nhân viên hải quan họ còn điền giùm tôi những cái tôi còn sai sót. Tôi chưa thấy sân bay nào làm khó dễ hơn sân bay Tân Sơn Nhất nữa!

Họ hỏi đi đâu về, tôi bảo đi học. Hỏi, đi học mà đem cả vợ con theo nữa hả? Biết trả lời sao đây! Trong thâm tâm tôi biết anh ta vòi vĩnh nhưng nghĩ rằng để xem họ làm gì được nào! Dù sao tôi có ra chậm một chút cũng chẳng vấn đề gì, tôi đã về đến Việt Nam rồi mà, chỉ tội mấy đứa bạn đợi ở ngoài lo lắng mà thôi!

5-10 đô chẳng đáng là bao, nhưng nó sẽ đánh mất nhiều thứ của một đất nước đang trên đà hội nhập! Và cả ngành du lịch đang trên đà phát triển.

Nguyễn Hữu (harynguyen@netscape.net)

Tôi có về thăm Việt Nam một lần cách đây hai năm, chuyện xảy ra với tôi là khi về tới Việt Nam tôi bị mất hành lý, vì không có chờ được nên tôi phải vào làm thủ tục và khai mất hành lý, vì ra nước ngoài đã khá lâu nên tôi cũng đã quên cái gọi là "bao cấp" từ lâu, nhưng khi tôi tới sân bay Tân Sơn Nhất thì những điều diễn ra tại đây làm cho tôi gợi nhớ lại tất cả... Đương nhiên là tôi đã bỏ 10 USD vào Passport để được thông qua phần thủ tục mặc dù tôi chẳng làm điều gì sai phạm, vì cứ theo người đứng trước mà làm theo.

Tôi xin kể tiếp là khi khai mất hành lý tôi đã quên bỏ tiền trong tờ khai khi nộp lại cho nhân viên làm việc tại đây (theo lời một số người nói cho tôi hay sau khi đã ra ngoài sân bay) và nhân viên này nói chừng nào có sẽ gọi anh tới để nhận lại. Một tuần lễ sau tôi không thấy người ta gọi tôi tới nhận hành lý nên người nhà tôi mới giục tôi gọi lên thử xem là họ có quên hay không? Tôi đã gọi và được bảo chờ cho 10 phút để họ vào xem rồi gọi lại, nhưng khi được báo thì vẫn chưa kiếm ra, nên tôi xin được vào trong đó để tự mình tìm kiếm, khi tôi tới phòng chứa hành lý thất lạc thì cái thùng đồ của tôi nằm ngay trên lối đi, tôi không phải mất công để kiếm nó gì cả, thật là buồn cười, khi tất cả từ trong ra ngoài đều có một kiểu làm việc như vậy, vậy mà một người lãnh đạo của ngành này lại nói một câu chẳng đâu ra đâu cả...

Tôi hy vọng bài này được đăng để những gì không hay đều được đưa ra ánh sáng thì tôi tin Việt Nam ngày mai sẽ khá hơn nhiều.

Anthony Nguyen (anthony2@hotmail.com)

Nhà nước hô hào và vận động để thu hút du khách nước ngoài vào Việt Nam, trong khi đó mấy ông ở hải quan lại có những thái độ quan liêu, hà khắc thiếu trình độ, thiếu văn minh và nhất là lúc nào cũng mang cái bộ mặt lạnh lùng nặng như chì (không bao giờ biết cười) thì làm sao mà thu hút được du khách! Tôi nghĩ lối hoạt động của cục hải quan hiện nay là cái chướng ngại vật đầu tiên, và là 1 trong những hàng rào lớn ngăn cản du khách vào Việt Nam, phản lại chính sách của Nhà nước!.

Nguyễn Văn Tâm (sysdda@yahoo.com)

Người thân tôi mỗi năm về Việt Nam ăn Tết, thăm thân nhân (ít nhất 5 chuyến/năm). Sau mỗi lần trở về từ Việt Nam, chỉ nghe bàn tán về việc nhận tiền hối lộ của nhân viên hải quan Tân Sơn Nhất (NVHQTSN) nhiều nhất... nghe ra thì là chuyện rất thường, vì từ lâu NVHQTSN vòi vĩnh tiền một cách trắng trợn.
Tháng 12 vừa qua, bà nội tôi mất, tôi lập tức về với gia đình, hành lý chính mang theo đủ dùng, không nhiều... nhưng vẫn bị vòi vĩnh một cách rùng rợn, NVHQTSN nói: "muốn đi nhanh hả? mỗi người 10 USD, ok thôi", và bỏ tiền vào Passport để được ra nhanh, vì gia đình có tang (cả gia đình tốn hết 80 USD). Sau đám tang, chúng tôi  trở về chỉ có vài thùng quà mang về bên ấy - đúng, gọi là quà, chứ thật ra là tranh ảnh và CD nhạc... nhưng một anh NVHQTSN nói: mang nhiều quá vậy, đứng qua một bên chờ đó... nóng lòng vì sợ trễ chuyến bay, tôi liền đến nói: anh ơi không có nhiều lắm đâu, đi 8 người mang chỉ 4 thùng hành lý đâu có nhiều, anh ta nói: "mang toàn đồ quốc cấm, thì phải cho kiểm duyệt", thật ra CD nhạc, tranh ảnh trang trí là quốc cấm ư? ( Đó là văn hoá phẫm của VIỆT NAM đưa ra nước ngoài càng nhiều càng tốt chứ), nhưng mà chịu nhẫn nại để được đi, tôi liền dúi vào tay anh ta 50 USD để được đi nhanh, nhưng thánh ơi: anh này ghê quá, anh nói là muốn đi nhanh không trễ chuyến bay thì thêm 100 nữa, mẹ tôi thấy vậy thôi cũng liều... 150 USD tan theo mây khói... không đâu vào đâu.

Sau chuyến đi về, cả nhà tôi không ai có ý định trở lại quê hương nữa, có lẽ xa quê hương, bỏ quê hương bởi vì những nhọc nhằn, hối lộ, thiếu lịch sự, nhã nhặn của những người đồng hương sao?

                                                            Kẻ tha hương

Andy Tran (dantruongsinger@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.