Không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án

08/11/2013 03:00 GMT+7

Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, biện pháp nào để khắc phục là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phân tích trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm hôm qua (7.11).

Không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Tâm đắc với báo cáo của Chính phủ nhìn nhận “công tác phòng chống tham nhũng nói chưa đi đôi với làm”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị: “Chúng ta đã có hết tất cả các thiết chế rồi, vấn đề bây giờ chỉ làm thôi không nói nữa, ít nói thôi, nói phải đi đôi với làm”. Theo ông Quyền, trong phòng chống tham nhũng (PCTN) cần tập trung vào công tác phòng ngừa và quan trọng nhất là phải công khai. “Công khai, minh bạch hết tất cả mọi lĩnh vực về tất cả các tiêu chí, kể cả công tác cán bộ, bổ nhiệm… Ngay cả quy hoạch cán bộ tôi thấy luôn luôn là đóng mật, tôi thấy không cần, cứ để cho tất cả nhân dân biết, người trong cơ quan biết để họ nhận thấy người đó xứng đáng làm lãnh đạo. Đây là biện pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất phòng ngừa, chống tham nhũng”, đại biểu (ĐB) Quyền đề xuất.

Nhìn nhận về công tác PCTN năm 2013, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra lời cảm thán hình ảnh “nợ xấu về tài chính, tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong PCTN”.

 

Ngay cả quy hoạch cán bộ tôi thấy luôn luôn là đóng mật, tôi thấy không cần, cứ để cho tất cả nhân dân biết, người trong cơ quan biết để họ nhận thấy người đó xứng đáng làm lãnh đạo. Đây là biện pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất phòng ngừa, chống tham nhũng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Triệt tiêu tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB chỉ rõ các vụ tham nhũng gây thất thoát lớn về tài sản nhưng khi đem ra xử lý thì chỉ thu hồi được khoảng 10 - 20%, nhiều đối tượng tham nhũng chỉ bị xử lý hành chính hoặc hưởng các mức án dưới khung.

Theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), rõ ràng ở đây đang có tình trạng “hy sinh đời bố để củng cố đời con” và đã tồn tại từ rất nhiều năm chưa khắc phục được. Từ câu chuyện này, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) kiến nghị “coi trọng hình phạt đánh vào quyền lợi kinh tế, triệt tiêu tư tưởng hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Trên quan điểm tham nhũng chính là nguyên nhân gây ra nợ xấu, cản trở phát triển kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói: “Tôi đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán bổ sung vào kế hoạch năm 2014 việc thanh tra, kiểm toán tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo kết quả cho QH; đề nghị kiểm toán, thanh tra các dự án đầu tư giao thông, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kể cả đầu tư ra nước ngoài. Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm hoặc chỉ đề nghị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng sau đó cơ quan chức năng phát hiện ra tội phạm. Nếu từ chối cung cấp tài liệu thanh tra mặc dù cơ quan điều tra đã yêu cầu như vừa qua là hành vi cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng”.

 “Cần thành lập thêm lực lượng đặc biệt”

Một trong những đề xuất được nhiều ĐB đề cập đến trong phiên thảo luận là bên cạnh lực lượng PCTN hiện có cần thành lập thêm lực lượng đặc biệt.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Tôi đề nghị cần thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác PCTN trực thuộc QH hoặc Ban Chỉ đạo PCTN. Lực lượng này phải được tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”.

Cùng quan điểm này, ĐB Lê Như Tiến cho rằng lực lượng này nên trực thuộc Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư và phải có cơ chế đặc biệt là được trao “thượng phương bảo kiếm”, có quyền điều tra độc lập. Cụ thể hơn, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng việc thành lập một cơ quan điều tra độc lập, đặt ở đâu thì còn phải cân nhắc nhưng cần thiết và coi như một tổng cục điều tra về án tham nhũng chức vụ. Người đứng đầu cơ quan này phải là một Ủy viên Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo T.Ư và được đặt ở 7 khu vực, độc lập với các vùng địa phương. Thẩm quyền cơ quan này là chỉ điều tra những án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn và những án mà đối tượng phạm tội có liên quan thuộc diện tỉnh ủy quản lý trở lên, còn những án điều tra bình thường thì để cơ quan điều tra bình thường làm.

“Tôi cho rằng cần có đột phá như vậy thì mới có thể thay đổi được phương thức và cách đánh tội phạm tham nhũng, đi vào những lĩnh vực lớn, trọng điểm mà cử tri bức xúc, đòi hỏi nhiều năm”, ĐB Đương nói.

Câu trả lời cho những câu hỏi

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa ra những so sánh ấn tượng: “Gần nửa triệu người dân Bắc Kạn cả năm chỉ làm ra 354 tỉ đồng, hơn nửa triệu người dân Điện Biên cả năm chỉ làm ra 522 tỉ chưa đủ trả tiền cho đống sắt vụn mà Vinalines đã mua về gây thiệt hại. “Đến bao giờ bữa cơm của các cháu học sinh ở Tây Bắc có thịt và không còn phải học trong những ngôi chùa, đến bao giờ những cô giáo ở miền tây Thanh Hóa không phải mời khách bằng những con nòng nọc, làm sao để không còn những nữ sinh phải tìm đến cái chết vì quá nghèo, không có được 1 triệu đồng để nộp phạt vì vi phạm luật giao thông như ở Tây nguyên. Làm sao để không còn những phụ nữ quyên sinh để cho gia đình có được sổ hộ nghèo như ở miền Tây Nam bộ. Nếu chúng ta kiên quyết chống tham nhũng và chống tham nhũng hiệu quả đó là câu trả lời cho những câu hỏi đó”, ông Hiến nói.

“Lãnh đạo dặn không phát biểu về tham nhũng”

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) chia sẻ: Có vị ĐB tâm sự, mỗi lần ra họp QH, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin... ai cho? Càng không nên phát biểu về tham nhũng ở địa phương vì dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn QH...

Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng. Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của công chức thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm. Tai mắt nhân dân trong PCTN không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch.

Không phải chờ sau khi có kết luận thanh tra

Không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án

Giải trình thêm trước QH hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhìn nhận công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế chức vụ và tham nhũng, mặc dù đã có cố gắng nhưng kết quả điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm, khâu phát hiện vẫn là yếu nhất. Để khắc phục, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế...

“Tập trung xác minh tin báo tố giác từ nhiều kênh khác nhau, xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị ngay từ quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra. Nếu có chứng cứ vi pháp luật hình sự sẽ kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xử lý, không phải chờ sau khi có kết luận thanh tra mới vào cuộc”, Bộ trưởng Quang nói.

Thái Sơn - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.