Không có chủ trương thu phí cầu Tân Minh

11/11/2011 07:09 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, một số hộ dân xã Tân Minh, H.Thường Tín, Hà Nội đã “kiện” UBND xã vì những khúc mắc trong việc thu phí qua cây cầu trên địa bàn

Như Thanh Niên đã đưa tin, một số hộ dân xã Tân Minh, H.Thường Tín, Hà Nội đã “kiện” UBND xã vì những khúc mắc trong việc thu phí qua cây cầu trên địa bàn.

>> Dân "kiện" xã vì phí qua cầu

Năm 1984, khi cầu Tân Minh bắc qua sông Nhuệ khánh thành, chính quyền xã Tân Minh đã thành lập một tổ chuyên trách việc thu phí qua cầu, để làm nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, việc thu phí được áp dụng với tất cả các phương tiện, thậm chí cả người đi bộ qua cầu. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều người dân sinh sống trong xã, thì việc thu phí cầu Tân Minh diễn ra khá lộn xộn, theo kiểu mặc cả giữa nhân viên thu phí và người nộp. “Nếu quen biết, hoặc là người quen thì họ thu rẻ, thậm chí cho đi qua mà không mất một đồng”, anh Nguyễn Đình Toán, một người dân trong xã phản ánh. Cũng theo anh Toán, tất cả các giao dịch thu phí đều thỏa thuận bằng miệng chứ không có văn bản giấy tờ gì.

Cũng chính từ việc thu phí theo kiểu thỏa thuận, nhiều người dân trong thôn cảm thấy như mình bị “móc túi” và cũng để tránh việc bị thu phí quá nhiều lần trong một ngày, nên không ít bà con chuyển sang đi đường vòng - qua lối cầu Tiền Phong cũng bắc qua sông Nhuệ (cách đó chừng 1 km) để ra đường quốc lộ lớn. “Tôi cũng chẳng muốn đi nhờ đường làng người khác đâu. Nhưng không hiểu sao, mức thu phí qua cầu Tân Minh vẫn là 5.000 đồng/lượt, mà khi đóng theo tháng thì số tiền lại cứ tăng lũy tiến. Tháng 5 họ thu của tôi 300.000 đồng, sang tháng 6 thu 350.000 đồng và tới tháng 7 lại bắt tôi nộp 400.000 đồng/tháng. Bực mình giờ tôi không nộp nữa, mà đi nhờ cầu Tiền Phong”, anh Trần Văn Sơn, một người dân xã Tân Minh, hành nghề lái taxi cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2009, chính quyền xã Tân Minh đã chấm dứt việc tổ chức đầu thầu thu phí cầu Tân Minh và ủy quyền công tác thu phí cho Ban công an xã mà trực tiếp là hai công an viên Nguyễn Văn Ngõ và Nguyễn Văn Phú. Cũng tính từ thời điểm này, phí qua cầu không còn áp dụng với người đi bộ, đi xe đạp và xe máy. Tuy nhiên, điều gây bức xúc trong dân, đó là hai công an viên là Ngõ và Phú chỉ phải nộp lại cho ngân sách xã là 5 triệu đồng/tháng và mức tiền này được điều chỉnh lên 7 triệu đồng/tháng từ 1.4.2011. Theo nhiều người dân từng trúng thầu thu phí cầu Tân Minh, thì mức giá này rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với con số 30 - 35 triệu đồng/tháng mà họ đã từng nộp cho xã. Cũng từ những bức xúc kể trên, trong hai ngày 8 và 9.11 nhiều người dân đã kéo tới cầu Tân Minh để phản đối việc thu phí.

Giải thích về việc bỏ đấu thầu thu phí, giao cho Ban công an với số tiền nộp “định mức” quá thấp, ông Đinh Bá Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh nói rằng,  giao cho Ban công an là vì “vấn đề an ninh”. “Còn về mức phí, thì đã có từ thời Chủ tịch trước. Hiện tại chúng tôi chỉ thu về mỗi tháng 7 triệu đồng theo hợp đồng. Còn nếu thu vượt mức 7 triệu đồng, tiền dư ra sẽ được dùng làm tiền bồi dưỡng cho ông Ngõ và ông Phú”, ông Vinh nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Tuấn Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Thường Tín cho biết, UBND huyện chưa từng có chủ trương hay nghe báo cáo gì về việc thu phí cầu của UBND xã Tân Minh. “Hiện tại UBND huyện đã yêu cầu chính quyền xã Tân Minh gửi báo cáo về sự việc thu phí cầu. Và trên thực tế, huyện chúng tôi mới chỉ biết về này, sau khi người dân kéo tới cầu Tân Minh để phản đối việc thu phí cầu của xã Tân Minh. Hiện tại chúng tôi đang điều tra làm sáng tỏ sự việc này”, ông Dũng nói.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.