Làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, phải rút kinh nghiệm về cách ứng phó với những sự cố như thế này vì trong tuần đầu tiên phản ứng còn chậm. Phó thủ tướng yêu cầu rà soát lại tất cả quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp phép dự án, giám sát thực hiện xem “chỗ nào tiêu cực thì phải xử lý cho nghiêm, rõ ràng mới hợp lòng dân”.
Liên quan đến việc sử dụng 11.500 tỉ đồng Formosa cam kết đền bù, ông Trương Hòa Bình lưu ý, một là tập trung bồi thường cho đúng, chính xác dựa trên kê khai, thẩm định sát thực tế để rót tiền. Hai là phải chi cho xây dựng hệ thống trang thiết bị quan trắc môi trường. Ba là dành một phần không nhỏ để khắc phục sinh thái biển như trồng lại thủy sinh, san hô…
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra thông điệp "không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhất là môi trường sống của người dân". Về sử dụng khoản tiền bồi thường, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT dự thảo chính sách, cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT lên kế hoạch để sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Thủ tướng gợi ý, cần hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, trong đó cần ưu tiên cho chương trình đánh bắt xa bờ, để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn, đồng thời với kế hoạch phục hồi môi trường biển.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng tiền đền bù, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của cán bộ gây ra hậu quả sự cố Formosa.
Lập hội đồng đánh giá thiệt hại, hỗ trợ dân
Cùng ngày tại Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh vừa thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại từ thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Hội đồng sẽ xây dựng đề cương, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; từ đó tổ chức đánh giá chính xác giá trị thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khắc phục sự cố, ổn định sản xuất phù hợp với thực tế ở các địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Chính phủ. Việc đánh giá thiệt hại phải đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Trong khi đó, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh dẫn đầu đoàn công tác của địa phương đã kiểm tra, nắm bắt tình hình và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân tại 2 xã Kỳ Lợi và Kỳ Ninh (TX.Kỳ Anh). Tại đây, ông Sơn khẳng định, tỉnh Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo hội đồng nhanh chóng đánh giá thiệt hại, có phương án bồi thường, giúp bà con vượt qua khó khăn; cùng với bộ ngành T.Ư nghiên cứu để sớm có phương án chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân, đề xuất để sớm công bố những khu vực đánh bắt an toàn ở vùng 20 hải lý trở vào bờ.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Theo đó, các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá biển chết hàng loạt được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế thời hạn từ ngày 1.7.2016 đến 30.6.2017; hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ 1.7 đến 31.12 tới, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khi đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, ngư dân sẽ được ngân sách hỗ trợ 300 - 600 triệu đồng/tàu tùy thuộc vào công suất của tàu...
Đài Loan cam kết hợp tác xử lý
Tối 30.6, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo cho biết sau khi Chính phủ VN công bố Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, cơ quan này lập tức chỉ đạo đại diện tại VN phối hợp xử lý vấn đề, duy trì liên hệ mật thiết với Chính phủ VN và công ty, theo dõi các diễn biến mới nhất. Trong thông cáo đăng trên website Mofa.gov.tw, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh chính quyền vùng lãnh thổ này luôn coi trọng việc phát triển kinh tế cân bằng, bền vững đi cùng bảo vệ môi trường.
Cơ quan này còn kêu gọi doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ luật bảo vệ môi trường của nước sở tại, dũng cảm thừa nhận trách nhiệm để không làm tổn hại hình ảnh, thậm chí làm ảnh hưởng quan hệ đối ngoại của Đài Loan. Mặt khác, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan tuyên bố vụ Formosa Hà Tĩnh xả thải gây chết cá hàng loạt ở miền Trung là “sự kiện riêng lẻ” và đề nghị Chính phủ VN bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Đài Loan.
Minh Trung
|
Bình luận (0)