Không để túi tiền du khách 'nghỉ ngơi': Đừng mất du khách qua nước khác

16/01/2019 06:53 GMT+7

Không chỉ cách biệt quá xa về số lượng khách đến, chất lượng du lịch, cách tổ chức của du lịch VN cũng còn nhiều lỗ hổng, khiến khách đến VN chủ yếu chỉ tham quan, ngắm cảnh rồi về ngủ, muốn cũng không có chỗ tiêu tiền.

Lấy sự chững lại của kinh tế Đà Nẵng nói chung và du lịch nói riêng làm ví dụ, nhiều chuyên gia cảnh báo, các địa phương muốn đột phá trong xây dựng ngành công nghiệp không khói phải quyết liệt hơn nữa trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển du lịch.
3 năm trở lại đây, ngành du lịch VN đã có những bước đột phá, phát triển nhảy vọt. Năm 2017, VN đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, lần đầu tiên đuổi kịp Indonesia và rút ngắn đáng kể khoảng cách so với con số 17,4 triệu lượt khách quốc tế của Singapore năm 2017.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, ước tính trong năm 2018, cả nước đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm ngoái và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ và trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Nhưng chúng ta mới chỉ "đột phá" so với chính mình, còn nhìn sang các nước lân cận, thành tích du lịch của chúng ta vẫn còn khá khiêm tốn.

Tỷ lệ chi tiêu của du khách quá thấp

Đơn cử năm 2016, VN thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, chỉ bằng 31% so với Thái Lan (32,6 triệu), bằng 37% của Malaysia (26,8 triệu), 61% của Singapore (16,4 triệu), 83% so với Indonesia (12 triệu). Năm 2017 chúng ta tự hào lập kỷ lục thu hút 13 triệu khách quốc tế thì con số của Thái Lan đã là 35,4 triệu người, Singapore cũng nhích lên con số 17,4 triệu.
Hôm qua 15.1, trang web của Bộ VH-TT-DL dẫn thông tin từ báo The New York Times (Mỹ) cho biết, tờ báo này vừa công bố 52 điểm đến du lịch không thể bỏ qua năm 2019, trong đó có TP.Đà Nẵng của VN. (Hoành Sơn)
Không chỉ cách biệt quá xa về số lượng khách đến, chất lượng du lịch, cách tổ chức của du lịch VN cũng còn rất nhiều lỗ hổng, khiến khách đến VN chủ yếu chỉ tham quan, ngắm cảnh rồi về ngủ, muốn cũng không có chỗ tiêu tiền. Doanh thu từ du lịch của các địa phương vì thế luôn trong tình trạng phát triển không tương xứng với lượng khách đến.
Theo một khảo sát từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến VN chi tiêu cho hoạt động thuê phòng lưu trú và ăn uống chiếm 56 - 60%, chi tiêu cho việc mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%. Nếu "bóc" riêng chi phí tham quan kèm vui chơi giải trí, con số này chỉ từ 7 - 10% trong tổng chi phí. Trong khi chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí ở Malaysia, Thái Lan chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 - 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Sản phẩm du lịch đơn điệu, nhàm chán nên dù sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới... nhưng thời gian lưu trú của khách rất ngắn và đa số tới một lần rồi đi luôn, không quay lại.
Lấy Đà Nẵng làm ví dụ, một chuyên gia phân tích, rất ít địa phương có nhiều lợi thế như Đà Nẵng là vừa có sông, biển và rừng núi. Nơi đây được ví như vùng đất vàng để phát triển du lịch. Từ một “vùng trũng” của du lịch, sau hơn 10 năm, Đà Nẵng đã “lột xác” trở thành thành phố du lịch hàng đầu VN.
Trong đó, một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của ngành du lịch Đà Nẵng những năm qua chính là hiệu quả từ thu hút đầu tư. Sở hữu cả tài nguyên biển và rừng nhưng trước đây, Đà Nẵng chỉ được xem như trạm trung chuyển để du khách đến với Hội An, Huế.
Chỉ đến khi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như SunGroup, VinGroup, InterContinental... đến đây, du lịch Đà Nẵng mới chính thức được khai phá, trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy vậy, khi đặt cạnh các trung tâm du lịch biển trong khu vực và trên thế giới như Phuket, Maldives,... Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách khá xa. Đặc biệt thời gian qua, những dấu hiệu “xuống sức” rõ rệt không chỉ kéo thành phố này tụt hạng trên bản đồ du lịch khu vực mà ngay cả vị trí trong top những địa phương thu hút nhiều du khách nhất năm 2018 cũng để tuột vào tay điểm đến mới nổi Quảng Ninh.

“Sợ nhất là không ai quyết...”

Mới đưa một nhà đầu tư châu Âu về Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư vào công nghệ cao, chuyên gia tư vấn đầu tư, Giám đốc Công ty đầu tư công nghệ Win-Win Đỗ Thanh Năm nhận xét, sự chững lại đang “bao trùm” lấy Đà Nẵng, không riêng ở một lĩnh vực hay con người nào. Ông kể: “Khi đến một mảnh đất để đầu tư, thường chúng tôi hỏi dò các doanh nghiệp (DN) tại đó tình hình ở địa phương đó thế nào.
Cộng đồng DN là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất về sự hưng thịnh của địa phương. Điều đáng buồn là tâm lý nhà đầu tư đang e dè và chững lại theo sau khi nghe những thông tin từ chính các DN Đà Nẵng chia sẻ. Họ nói rằng, tâm lý chung của Đà Nẵng nay là không ai dám quyết và cứ họp hành đùn qua đẩy trước một vấn đề đơn giản, cần giải quyết sớm. Nếu trước đây cần thống nhất điều gì, lãnh đạo đưa ra tranh luận, họp và quyết “cái một” ngay sau buổi họp, để thời gian đi làm việc khác nữa. Nay cũng vấn đề đó, nhưng cứ họp miết chưa biết khi nào mới xong”.
"Theo tôi được biết, chính quyền Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để đưa thành phố này phát triển nhưng tại sao lại có những thông tin “trì trệ” này, phải có nguyên nhân của nó. Bằng cách này hay cách khác, thành phố này phải đổi mới các quyết sách mời gọi đầu tư, cần khuyến khích các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng nhiều hơn nữa bởi nơi đây vẫn còn tiềm năng chưa được khai phá, phải đẩy mạnh phát triển du lịch theo mô típ hiện đại mới tạo sự khác biệt được”, ông Năm nói.
Đà Nẵng không phải là ngoại lệ, sau hàng loạt các vụ vi phạm liên quan đến đất công được phanh phui, nhiều DN phản ánh, chính quyền địa phương hết sức cẩn trọng trong việc phê duyệt dự án đầu tư, ngay cả với các hồ sơ hợp lệ. Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh du lịch các nước phát triển nhanh, VN cần nhìn nhận lại tổng thể tiềm năng, tận dụng chính sách để thúc đẩy, tạo cú hích cho ngành du lịch. Nhưng nếu không vượt qua nổi tâm lý quá thận trọng này, chúng ta rất có thể lại bỏ rơi cơ hội đột phá du lịch khi các nước xung quanh đang chạy đua quyết liệt trong việc thu hút du khách đến với mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.