Không để xảy ra Formosa thứ hai

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
18/05/2018 07:44 GMT+7

Đó là nhắn gửi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, do Chính phủ tổ chức hôm qua tại TP.Đông Hà (Quảng Trị).

Không để xảy ra Formosa thứ hai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Ảnh: chinhphu.vn

Tham dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư, lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thường trực Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển), sự cố xảy ra từ tháng 4.2016 tại 4 tỉnh miền Trung là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người.
Theo báo cáo, sau sự cố, Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp kịp thời như: đặc biệt chú ý đến việc thúc đẩy, khôi phục sản xuất và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản (đến năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của 4 tỉnh là 152.000 tấn, tăng 23,5% so với năm 2016), cho vay vốn khôi phục sản xuất (tương đương 208 tỉ đồng để thu mua tạm trữ 7.302 tấn hải sản; cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới để phát triển sản xuất…); chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (80 tỉ đồng) và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên (62,9 tỉ đồng); hỗ trợ tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho nhân dân (đến 31.1.2018 đã đưa 32.231 lao động miền biển đi xuất khẩu lao động, dạy nghề cho hàng chục ngàn lượt người); khôi phục phát triển du lịch...
Trước tình hình trên, các cấp từ T.Ư đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt từ công tác chỉ đạo điều hành đến thực hiện việc bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. Chính phủ đã xuất, cấp tổng kinh phí hỗ trợ gạo và tiền cho 4 tỉnh là 282,3 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp. Riêng tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt FHS) chi trả tổng cộng 6.969 tỉ đồng… Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng sau hơn 20 cuộc họp, hàng chục văn bản chỉ đạo nóng và những kết quả đạt được như trong báo cáo, Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của mình.
3 câu hỏi “nóng” đã có lời giải
Ba câu hỏi nóng “FHS ra sao?”, “Biển miền Trung bây giờ như thế nào?”, “Ăn cá ở biển miền Trung được chưa?” từng làm dư luận hoài nghi trong một thời gian dài đã được trả lời một cách rành mạch, sòng phẳng tại hội nghị. Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, sau khi FHS đứng ra nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường, Bộ đã thành lập hội đồng giám sát và tổ giám sát để theo dõi chặt chẽ việc FHS khắc phục hậu quả. Đến nay, FHS đã khắc phục 52/52 lỗi vi phạm và cam kết không để tái diễn sự cố môi trường.
Cũng theo ông Võ Tuấn Nhân, hiện số vốn đầu tư vào dự án FHS là hơn 12,7 tỉ USD. Năm 2017, FHS đã nộp thuế và các khoản khác là hơn 3.329 tỉ đồng và dự kiến năm 2018 là 6.600 tỉ đồng. Ông Nhân cũng tái khẳng định, đến thời điểm này môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ tháng 8.2016 - 3.2018, Bộ đã tổ chức 6 đợt giám sát đánh giá an toàn hải sản tại 4 tỉnh miền Trung với số lượng lên đến 2.700 mẫu. Song song với đó, Bộ cũng tiến hành lấy mẫu tại 3 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu - không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường) làm nhóm đối chứng để so sánh. “Từ tháng 12.2017, kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, kể cả vùng biển Sơn Dương (xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã tương đương với mẫu hải sản của các vùng biển đối chứng và đã đảm bảo an toàn”, bà Tiến khẳng định.
Lãnh đạo Chính phủ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2018), sáng 17.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Quảng Trị đã dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.
TTXVN
Liên quan đến công tác giám sát, xác nhận an toàn hải sản được lưu giữ tại kho đông lạnh ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố, bà Tiến cho biết Bộ và chính quyền địa phương đã kiểm tra tại 500 lô hải sản lạnh với 5.368,98 tấn, phát hiện 72 lô không an toàn (chiếm 14,4%) với 974,245 tấn và tiến hành tiêu hủy. Bà Tiến cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ tiếp tục giám sát an toàn hải sản tầng đáy từ 20 km trở vào bờ biển tại 4 tỉnh miền Trung và kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân 4 tỉnh này.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng sự mất mát, nỗi đau… khi xảy ra sự cố môi trường biển là rất thật, nhưng sự vào cuộc của các bộ ngành, của chính quyền các cấp và sự đồng lòng của nhân dân nên tất cả đã cùng vượt qua sự cố này. Ông Chính cũng lấy ví dụ về hàng chục chương trình dự án chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển thành công tại Quảng Trị là minh chứng cụ thể. Trong khi đó, theo ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhân dân địa phương gửi gắm các bộ ngành liên quan, tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của FHS, để sự cố không xảy ra thêm 1 lần nữa, để bà con yên tâm bám biển, sản xuất...
Cần làm tốt hơn, nhiều hơn để có môi trường xanh
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự cố môi trường biển vừa qua là sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở VN, chưa có tiền lệ, và càng phức tạp hơn khi đây là cơ hội cho các thế lực phản động chống phá. Chính vì thế, ban đầu đã có những sự lúng túng không mong muốn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã cùng với các bộ ngành, chính quyền địa phương đi đến quyết định thông minh, đúng thời điểm để tìm ra hướng xử lý vừa có lợi cho nhân dân, vừa có lợi cho môi trường đầu tư... “Chẳng ai mong muốn sự cố này xảy ra nhưng sau sự cố có 3 điều thành công. Thứ nhất là người dân dù gặp thiệt hại vẫn tin tưởng vào chính quyền, vào Đảng; thứ hai là nhân dân càng đoàn kết hơn; và cuối cùng là chính cán bộ của chúng ta cũng trưởng thành hơn sau sự cố này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đã đề nghị hội nghị cùng vỗ tay tán thưởng việc môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã bình thường trở lại. Thủ tướng cũng tin tưởng rằng nền kinh tế của 4 tỉnh miền Trung sẽ tiếp tục vươn lên, trong đó tăng trưởng kinh tế biển sẽ như là một điều tất yếu...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác xử lý sự cố môi trường biển. Đó là việc chi trả bồi thường vẫn còn chậm so với kế hoạch, một số trường hợp có đơn thư khiếu nại; sự phối hợp ở giai đoạn đầu còn bỡ ngỡ, công tác phối hợp cung cấp thông tin cho truyền thông và người dân còn chưa mạch lạc...
Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi quan trắc, giám sát dọc biển… không chỉ riêng với FHS mà còn với nhiều dự án khác, nhất là các dự án ven biển, để không có thêm một sự cố Formosa lần thứ 2 và nhấn mạnh quan điểm nhất quán: không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế mà coi môi trường là một yếu tố tiên quyết để đảm bảo phát triển bền vững…“Môi trường là một trong tam giác phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải giữ, đặc biệt là môi trường biển. Từ sự cố này chúng ta cần nghĩ nhiều hơn về tương lai môi trường nước ta. Chúng ta cần làm tốt hơn, làm nhiều hơn để có một môi trường xanh, để người dân yên tâm sống, sản xuất...”, Thủ tướng nhắn gửi.
Giữa năm 2019 Formosa mới hoàn tất đổi lại công nghệ
Bộ TN-MT vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó đáng chú ý là nội dung đề cập đến việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Báo cáo cho hay, đến nay, Công ty FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô thì phải đến giữa năm 2019 mới có thể hoàn thành. Theo thiết kế cơ sở, công nghệ dập cốc là công nghệ dập cốc khô. Tuy nhiên, Công ty FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt. Theo Bộ TN-MT, hiện doanh nghiệp đã lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô của Nhật Bản để thay thế. “Dự kiến tháng 3.2019 sẽ hoàn thành hệ thống công nghệ làm nguội cốc khô số 1 và tháng 6.2019 hoàn thành hệ thống số 2”, báo cáo thông tin.
Dù vậy, trong giai đoạn chờ chuyển đổi công nghệ dập cốc, FHS đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải trước khi tái sử dụng. Đồng thời, để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, FHS đã phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD. Hiện nay, các hạng mục công trình bổ sung đã hoàn thành, chất thải đang được giám sát bằng các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT).
Cập nhật về kết quả quan trắc, phân tích các mẫu nước, khí thải của FHS trước khi đưa ra môi trường từ giữa năm 2016 đến nay, Bộ TN-MT khẳng định đều đạt quy chuẩn cho phép. Các kết quả đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước biển tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của dự án đảm bảo quy chuẩn quy định và phù hợp với giai đoạn trước khi FHS vận hành thử nghiệm dự án. “Đặc biệt, thông số xyanua và phenol trong trầm tích biển có nồng độ rất thấp so với quy chuẩn VN quy định”, báo cáo nhấn mạnh.
Ngày 17.5, Công ty FHS phát đi thông cáo báo chí về việc đốt lửa vận hành thử nghiệm lò cao số 2. Theo đó, ngày 11.5, tại cuộc họp Hội đồng giám sát liên ngành do Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì đã thông qua kế hoạch chạy thử có tải lò cao số 2 của FHS. Các ủy viên thẩm tra tại cuộc họp Hội đồng giám sát liên ngành đều nhận định số liệu quan trắc của 3 hạng mục phát thải gồm khí thải, nước thải và chất thải của FHS đều phù hợp tiêu chuẩn pháp luật, các công nghệ kỹ thuật đều phù hợp các quy định; các ủy viên thẩm tra đều nhất trí đồng ý nhận định lò cao số 2 đã phù hợp quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, có thể tiến hành vận hành thử nghiệm.
Công ty FHS dự kiến sẽ tổ chức nghi thức đốt lửa lò cao số 2 vào lúc 10 giờ ngày 18.5. Sau khi lò cao số 2 hoạt động, FHS chính thức tuyên bố công trình giai đoạn 1 của Nhà máy gang thép FHS đã hoàn thành xây dựng, đánh dấu mốc mới cho việc công ty bước vào giai đoạn sản xuất toàn diện.
Chí Hiếu - Phạm Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.