Nhiều bạn đọc Thanh Niên tỏ ra bức xúc về việc quán bar Cảm Tưởng - Feeling (654 u Cơ, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) liên tục bị phạt nhưng vẫn hoạt động. Mới đây nhất, rạng sáng 18.1, công an cùng đoàn kiểm tra liên ngành Q.Tân Bình kiểm tra quán này và phát hiện đến 6 sai phạm.
Tại lần kiểm tra này, một cán bộ của đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Kể từ ngày khai trương đến nay (năm 2011 - 2014), cơ quan chức năng của thành phố, quận, phường đã tiến hành kiểm tra xử lý hơn 20 lần, phạt tiền ít nhất 500 triệu đồng. Mặc dù nhiều lần bị xử phạt nhưng không hiểu sao quán này vẫn còn hoạt động mà cơ quan chức năng không thể rút giấy phép kinh doanh”. Một cán bộ thuộc đoàn liên ngành mà còn “không hiểu sao” thì đối với người dân, điều này càng trở nên không thể hiểu được. Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi rằng phải chăng chính quyền địa phương đang bất lực hay có sự buông lỏng, thậm chí dung túng của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, sự buông lỏng, giải quyết không đến nơi đến chốn từng để lại nhiều hậu quả khôn lường. Cuối năm ngoái, dư luận cả nước từng rúng động khi chỉ một thời gian ngắn nhưng có đến 6 người tử vong sau khi uống “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Đến lúc đó, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện ra loại rượu này chứa hàm lượng methanol vượt hơn 2.000 lần so với mức cho phép. Đáng nói hơn, trong 5 lần kiểm tra từ năm 2008 - 2013, thì đến 4 lần Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, đơn vị sản xuất “Rượu nếp 29 Hà Nội”, bị phát hiện sai phạm. Thậm chí, loại “rượu độc” này đã “lọt lưới” đến 4 cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn, có lẽ đã không đến mức 6 người bị tước đi mạng sống.
Chẳng khác là bao, vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cũng là một ví dụ nhãn tiền về hậu quả từ việc những sai phạm không được giải quyết triệt để. Cụ thể, UBND TP.Hải Dương, trong hai năm 2012 và 2013 đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý trung tâm thương mại Hải Dương về công tác phòng cháy chữa cháy. Công an tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản nhắc nhở. Thế rồi, nguy cơ đã trở thành hiện thực, trung tâm thương mại bị hỏa hoạn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tiểu thương trắng tay.
Rõ ràng, khi những sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn thì dù là chuyện nhỏ cũng có thể âm ỉ rồi bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là xử lý quá nhẹ đối với nạn trộm chó đã làm người dân bức xúc, dẫn đến không ít vụ “tự xử”. Thậm chí, dân chúng bao vây đánh chết những người trộm chó, ẩn chứa nguy cơ đe dọa an ninh trật tự. Hay việc nhiều xe khách vô tư phóng bạt mạng, vượt tốc độ mà không bị xử lý nghiêm để rồi gây ra nhiều hậu quả thương tâm...
Chính vì thế, nếu các cơ quan chức năng không giải quyết rốt ráo những sai phạm từ sớm thì không những tính nghiêm minh của luật pháp bị đe dọa, mà còn hậu quả khôn lường tất yếu cũng sẽ xảy ra. Đến lúc nguy cơ thành hiện thực, mọi nỗ lực giải quyết chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.
Hoàng Đình
Bình luận (0)