Không đóng thuế cũng tăng giá bán

18/03/2016 09:00 GMT+7

Lệnh áp thuế tự vệ 23,3% cho phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào VN vừa được Bộ Công thương ban hành và đến ngày 23.3 mới áp dụng nhưng đã khiến thị trường thép hỗn loạn khi mức giá bán ra tăng liên tục.

Lệnh áp thuế tự vệ 23,3% cho phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào VN vừa được Bộ Công thương ban hành và đến ngày 23.3 mới áp dụng nhưng đã khiến thị trường thép hỗn loạn khi mức giá bán ra tăng liên tục.

Thép xây dựng đang tăng giá mạnh sau thông tin áp thuế	- Ảnh: D.Đ.Minh
Thép xây dựng đang tăng giá mạnh sau thông tin áp thuế - Ảnh: D.Đ.Minh
Đáng nói là doanh nghiệp (DN) trong nước như Hòa Phát, thép Miền Nam… đã đề nghị áp thuế này cũng tăng giá không kém các DN nhập khẩu.
Trăm phí đổ đầu người dùng
“Giá thông báo chỉ trong ngày hôm nay thôi. Mai chị phải hỏi lại vì sẽ có giá khác. Giờ chị muốn mua là phải đưa trước hết số tiền. Nếu không cũng không có hàng để chờ. Bản thân các nhà máy giờ cũng không còn hàng để bán...”, đó là những câu trả lời quen thuộc khi hỏi về giá thép ở một số đại lý vật liệu xây dựng tại TP.HCM trong ngày 17.3.
Theo đại diện một đại lý thép tại Q.Tân Phú (TP.HCM), các loại thép đều tăng giá gần ngang nhau. Trong đó thép Hòa Phát từ 9.500 đồng/kg tăng lên 11.300 đồng/kg, tương đương tăng 1.800 đồng/kg hay tăng thêm 1,8 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, ông khẳng định giá này sẽ còn tăng trong tháng 3 đến mức khoảng 2.500 đồng/kg như thông báo của một số tổng đại lý. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty thép Việt, cho biết công ty đã tăng giá bán ra 250.000 đồng/tấn nhưng hiện cũng không còn đủ sản phẩm để bán ra. Nguyên nhân chính là các đại lý đã dự báo giá thép chắc chắn sẽ tăng nên muốn ôm hàng tích trữ. “Việc áp thuế của Bộ Công thương sẽ khiến giá phôi thép nhập khẩu tăng mạnh và làm tăng giá thành sản xuất của các DN. Từ đó giá bán thép xây dựng ra thị trường cũng sẽ tăng theo. Chúng tôi chưa tính toán được sẽ tăng giá bán ra bao nhiêu nhưng mức tăng đó chắc chắn người tiêu dùng phải gánh chịu. Để bảo vệ sản xuất trong nước thì chỉ nên áp thuế tự vệ cho sản phẩm nhập khẩu chứ không phải đánh trên nguyên liệu”, ông Thái nói.
Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty thép Việt Đức, cũng thừa nhận giá bán thép đã tăng lên và chắc chắn sẽ còn gia tăng sau ngày 23.3 sắp tới khi mức thuế mới được áp dụng. Thậm chí ngay sau khi quyết định của Bộ Công thương được công bố, các nhà sản xuất phôi trong nước cũng đã tăng giá bán phôi. “Mọi chi phí các DN đều sẽ tính vào giá thành và giá bán đến tay khách hàng phải tăng vì DN không thể chịu lỗ. Trong khi đó, nếu hạn chế không cho nhập khẩu phôi thì nguồn sản xuất trong nước cũng không đủ cung cấp cho các nhà sản xuất. Việc áp thuế này chỉ khiến một số DN sản xuất phôi trong nước hưởng lợi”, ông Lê Minh Hải phân tích.
Hòa Phát lợi đơn lợi kép
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành thép, Hòa Phát, một trong bốn nguyên đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra tự vệ nêu trên, hiện đang chiếm khoảng 22% thị phần của toàn ngành. Hòa Phát không hề bị khó khăn thua lỗ mà ngược lại có lãi rất cao và tăng trưởng đều hằng năm. Báo cáo tài chính năm 2015 của tập đoàn này cho thấy tổng doanh thu cả năm 2015 đạt 27.452,7 tỉ đồng, tăng 7,5% so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỉ đồng, tăng gần 8% so với năm 2014. Chỉ riêng trong quý 4/2015, lợi nhuận của tập đoàn tăng mạnh do ngành hàng sản xuất ống thép tăng sản lượng thêm 48% so với cùng kỳ năm 2014.
Trước đó, từ năm 2014 quy định dừng xuất khẩu quặng sắt của luật Khoáng sản, hoặc DN nào muốn xuất khẩu quặng phải đóng thuế 40% khiến các DN khai thác và chế biến quặng sắt lao đao vì bị chặn đầu ra. Khi đó, lập tức giá quặng trong nước giảm mạnh chỉ còn 50% giá thế giới. Hòa Phát là DN trong nước sử dụng quặng sắt nhiều nhất để luyện phôi đã mua được giá nguyên liệu rẻ mạt. Từ đó chi phí cho đầu vào của Hòa Phát rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu vào của các DN sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, hoặc sản xuất từ phôi thép nhập khẩu… Vị chuyên gia này cho rằng, khi áp thuế tự vệ, chi phí sản xuất của các DN nhập khẩu phôi thép sẽ tăng mạnh nên việc giá bán sản phẩm tăng là tất yếu. Trong khi đó, bản thân Hòa Phát mua nguyên liệu đầu vào trong nước, không chịu thuế tự vệ nêu trên nên giá thành không thay đổi nhưng vẫn tăng giá bán ra trên thị trường là vô lý. Từ đó thấy rằng Hòa Phát lợi cả đôi đường.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế tự vệ tạm thời chỉ có thời hạn trong 200 ngày nhằm mục đích để tạo cơ hội cho các DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh trước sản phẩm nhập khẩu. Do đó nếu DN tranh thủ, đục nước béo cò và tăng giá bán ra như các DN nhập khẩu thì tự tước bỏ cơ hội nâng cao sức cạnh tranh của mình và làm giảm mục tiêu của chính sách tự vệ. “Người tiêu dùng bất khả kháng trước việc tăng giá đồng loạt của các DN thép. Lúc này vai trò kiểm soát của Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phải có, không để DN lợi dụng chính sách găm hàng trục lợi dù chưa đến ngày thu thuế bổ sung. Không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà cả nhà nước, nền kinh tế cũng bị thiệt bởi nó kéo theo chi phí sản xuất cho thị trường bất động sản, thị trường xây dựng gia tăng…”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.