Làm rõ phương án bù đắp giảm thu 35.000 tỉ đồng
Sáng nay 13.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).
Đề xuất này mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.
Theo ông Phớc, dự kiến với mức giảm 2%, số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng; nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỉ đồng.
Thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý 4/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỉ đồng khi áp dụng việc giảm thuế vì cho rằng, khoản giảm thu này chưa được tính toán trong gói chính sách của Nghị quyết số 43 cũng như trong dự toán ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
"Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ", bà Chi nói.
Xem nhanh 12h ngày 13.5: Rùa Hoàn Kiếm chết ở hồ Đồng Mô | Hy hữu 5 người cướp 1 ti vi
Không hiểu ban hành ra có kích cầu được không
Với đề xuất mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin…, bà Chi cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Dẫn báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022 chỉ đề cập đến một số lý do vướng mắc về kỹ thuật như cách xác định hàng hóa, thời điểm lập hóa đơn, mô tả hàng hóa…, bà Chi cho rằng về cơ bản, các vướng mắc này cũng đã được xử lý trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, khi ban hành Nghị quyết 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng.
"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43", bà Chi nói.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng, song không đồng tình với đề xuất mở rộng phạm vi hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế như Chính phủ đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phạm vi áp dụng nên theo Nghị quyết 43 vì khi đó Quốc hội đã tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thu ngân sách năm 2023 dự kiến sẽ rất khó khăn, việc mở rộng diện giảm thuế phải rất cân nhắc.
Tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình trình Quốc hội. Theo ông, việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong các giải pháp giải quyết khó khăn hiện nay.
"Trình giảm thuế chúng tôi cũng rất lo vì thu ngân sách quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng 83%, mà năm ngoái cũng là thời kỳ suy giảm rồi. Năm nay hoàn thành dự toán thu ngân sách cũng vất vả", ông Phớc nói, cho rằng trong tình hình hiện nay, việc giảm thuế cũng có tác động nhưng không mạnh mẽ, ở đây phải đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
Bình luận (0)