Theo quyết định trên, hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố chỉ được tập trung tại 3 chợ đầu mối gồm chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền. Còn hoạt động kinh doanh bán lẻ nông sản, thực phẩm được thực hiện theo quy hoạch của UBND quận, huyện.
Đặc biệt, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế, nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm, thủy sản tươi, đông lạnh, khô, mắm, động vật thân mềm (mực, bạch tuộc...), các loại rau, củ quả tươi đông lạnh... chỉ được kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi. Các tuyến đường bao quanh 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn không được kinh doanh nông sản, thực phẩm dưới mọi hình thức.
Xoay quanh tiêu chí thế nào là cửa hàng văn minh, tiện lợi, ông Trương Trung Việt, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng: Đó phải là cửa hàng đạt được tiêu chuẩn bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ người mua hàng, đạt được chứng nhận vệ sinh an toàn do cơ quan chức năng xác nhận. Theo đó, tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp sẽ do Sở Y tế chứng nhận, còn các hộ cá thể thì do quận huyện đảm trách. Ông Việt nói thêm, để có được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp và các hộ cá thể phải được tập huấn và kiểm tra đánh giá thực tế bởi cơ quan chức năng. Đây được xem như là tấm vé thông hành để tiếp tục kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định những người có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được buôn bán bình thường. Các hộ kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh lề đường, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được xử lý trên tinh thần tuyên truyền giáo dục trước, sau đó sẽ có biện pháp tiếp theo.
Quang Thuần
Bình luận (0)