Không được để dân bức xúc

01/04/2017 06:48 GMT+7

Câu chuyện ở khu xử lý rác thải Lộc Thủy (Thừa Thiên-Huế) kéo dài đã lâu, đặc biệt trở lại nghiêm trọng từ suốt gần tháng qua là một ví dụ điển hình cho tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, thậm chí xảy ra xung đột giữa người dân với chính quyền mà xuất phát chỉ là mâu thuẫn đơn giản.

Rác là nỗi ám ảnh của người dân là sự thật, người dân bức xúc, phản ứng doanh nghiệp bằng cách tự phát chặn xe rác không cho vào khu xử lý là có thật, và sự thật thì doanh nghiệp xử lý rác thải cũng đã có hành động khắc phục. Nhưng rồi tình trạng ô nhiễm đã nhanh chóng quay trở lại, là nguyên nhân khiến xung đột leo thang.
Loại bỏ nguyên nhân sâu xa về quy hoạch bãi rác có bất cập, thì rõ ràng vụ việc ở Lộc Thủy ban đầu chỉ là mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp (xử lý rác), nhưng chính quyền (với vai trò người giải quyết khiếu nại) đã chưa làm tròn trách nhiệm, không giải quyết dứt điểm, thấu đáo, nên hiện tại nó đã biến thành mâu thuẫn của người dân với chính quyền khiến sự việc càng phức tạp.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35 về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, nêu rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, lãnh đạo địa phương mà nội hàm của nó là tăng cường đối thoại ngay tại cấp cơ sở. Bởi lẽ, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trên phạm vi cả nước, tình hình khiếu nại có giảm, nhưng khiếu nại đông người và vượt cấp lại tăng, mà theo đánh giá nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chậm giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng khiến người dân bức xúc.
Trở lại câu chuyện ở khu xử lý rác thải Lộc Thủy, cũng từng có đối thoại, cũng vài lần hứa hẹn của chính quyền (xã, huyện) và doanh nghiệp về xử lý mùi hôi, ruồi nhặng, nước bẩn, nhưng chỉ sau mỗi cuộc đối thoại ấy, cái người dân nhận được chỉ là niềm tin tan vỡ. Không rõ còn nguyên nhân sâu xa nào khác khiến cho chính quyền huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên-Huế bế tắc trong việc giải quyết tình trạng bức xúc của người dân, ngoài nguyên nhân về các khu xử lý rác thải theo quy hoạch bị chậm tiến độ hay không, nhưng rõ ràng, việc người dân không còn tin vào chính quyền sở tại đang là thực tế.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế không nên xem nhẹ việc này, đừng chỉ giải quyết vụ việc dừng ở “chỉ đạo lập phương án tái định cư lâu dài cho người dân cách nhà máy dưới 300 m”. Nguyên tắc giải quyết bức xúc của dân rất đơn giản, đó là phải xuất phát từ lợi ích của người dân. Một dự án có thể thực hiện đúng quy định, một chính sách đã được chấp hành đúng, nhưng nếu người dân (số đông) vẫn thấy bức xúc, vẫn thấy thiệt thòi và cuộc sống của họ còn khó khăn thì buộc phải xem xét lại, vì mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.