Theo thông báo của Bộ Tài chính sáng 26.4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có kết luận về việc điều hành giá cả tại cuộc họp gần đây. Cụ thể, trong thời gian còn lại của năm 2019, nhất là đối với quý 2 là thời gian bản lề cho công tác điều hành giá cả năm.
Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi cơ chế phối hợp chặt chẽ, khoa học và linh hoạt hơn, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, chủ động các biện pháp điều hành nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 - 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm.
Đối với giá mặt hàng xăng, dầu, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường. Đồng thời, chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng, dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát cũng như đảm bảo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm.
Đối với mặt hàng điện, Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
“Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cước vận tải nhất là trong thời điểm giá xăng dầu có xu hướng tăng để kịp thời có biện pháp quản lý phù hợp, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
|
Ưu tiên giảm phí BOT thay vì giảm thời gian thu phí
Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT và giá cước vận tải, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai kết luận của Chính phủ về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; rà soát trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, đánh giá lưu lượng xe và tổng suất đầu tư đã tính toán lại để báo cáo lại với Chính phủ và Thủ tướng. Trường hợp giảm được giá thì ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Đối với thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc nhằm hạ giá thuốc, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế của công tác đấu thầu tập trung thuốc trong thời gian qua và đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.
Liên quan đến giá dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với lộ trình giá thị trường tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để có kiến nghị sửa đổi trong phạm vi quản lý.
Bình luận (0)