Không gắn chíp điện tử cho rùa hồ Gươm

15/05/2011 22:34 GMT+7

Tại hội thảo về Đảm bảo môi trường sống của rùa hồ Gươm diễn ra ngày 13.5, TS Lê Xuân Rao đề nghị các nhà khoa học góp ý kiến về việc có nên gắn thiết bị theo dõi điện tử lên mình rùa hồ Gươm, Hà Nội hay không.

Sau khi giới thiệu 2 phương pháp theo dõi rùa bằng sóng radio vô tuyến và bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, ông Tim McCormack, đại diện Chương trình bảo tồn rùa châu Á cho rằng: không cần thiết gắn chíp điện tử theo dõi rùa hồ Gươm (chíp được khoan đặt trong đuôi rùa) vì làm thế chỉ để theo dõi số cá thể rùa trong hồ và nghiên cứu tập tính hoạt động của loài rùa. Theo Tim McCormack, phương pháp dùng GPS sử dụng vệ tinh theo dõi có ưu thế là quan sát được vị trí của rùa hồ Gươm trên máy tính bất cứ lúc nào; nhưng thiết bị gắn định vị GPS được gắn bằng keo trên mai rùa, hoặc dùng đai lưng trên mình rùa cũng khá phức tạp, mỗi khi thay pin lại phải bắt rùa lên do vậy khá tốn kém.


Rùa hồ Gươm đang được bác sĩ thú y chăm sóc - Ảnh: PGS Hà Đình Đức

Đặc biệt, TS Nguyễn Viết Vĩnh lên tiếng phản đối cho rằng: việc gắn thiết bị điện tử theo dõi có thể làm rùa hồ Gươm chết và cũng không cần thiết gắn chíp để xác định vị trí của rùa vì tập tính hiện nay của rùa là thường hay nổi lên để thở. TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN tổng hợp ý kiến hội thảo, cho thấy nhiều nhà khoa học cho rằng không cần thiết phải gắn chíp điện tử theo dõi rùa.

Tại hội thảo trên, Sở KH-CN Hà Nội cho biết, Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã xác định trên thế giới chỉ còn lại 4 cá thể rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ: 2 cá thể ở Trung Quốc và 2 cá thể ở Việt Nam (1 ở hồ Gươm, 1 ở hồ Đồng Mô). Trong sách đỏ thế giới (IUCN), rùa hồ Gươm được đánh giá ở mức độ cực kỳ nguy cấp. Nhưng ở Việt Nam, cho đến nay rùa hồ Gươm vẫn chưa hề có tên trong danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.