Chiều nay, 11.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Đặc xá sửa đổi. Dự thảo Chính phủ trình tại phiên họp có nhiều điểm mới như: bổ sung thêm điều kiện đối tượng được đề nghị đặc xá phải là người phạm tội lần đầu, nâng thời gian chấp hành hình phạt ít nhất lên 1/2 thời gian (đối với án phạt tù có thời hạn) và 15 năm (với án phạt tù chung thân) thay vì 1/3 thời gian và 14 năm như luật hiện hành.
Đáng chú ý, quy định đối tượng được đặc xá phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác được mở rộng thành quy định chung cho bất kỳ tội gì thay vì chỉ giới hạn đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định như trước.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày tại phiên họp cho rằng, nếu quy định như dự thảo sẽ trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: Việc bổ sung điều kiện phạm tội lần đầu như dự thảo đã được đánh giá tác động chính sách hay chưa? Bên cạnh đó, việc quy định tất cả đối tượng muốn được đặc xá phải thi hành xong các hình phạt bổ sung tại dự thảo có đúng với bản chất và phù hợp với điều kiện đặc xá không?
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng các điều kiện được đưa ra tại dự thảo chưa đặc biệt, chưa thể hiện sự khác biệt giữa thẩm quyền của Chủ tịch nước là đặc xá với thẩm quyền của các cơ quan tòa án trong quy định tha tù trước thời hạn.
Theo ông Phong, việc quy định các đối tượng phải hoàn thành xong các hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại mới được đặc xá không khéo sẽ thành thương mại hóa tha tù trước hạn và đặc xá. Vì không khéo chỉ có người giàu, có tiền khắc phục được hậu quả trong các vụ án hình sự thì được tha tù trước hạn và đặc xá, còn người nghèo, không có tiền thì khắc phục hậu quả thì không được tha tù trước thời hạn và đặc xá.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phải xem xét kỹ quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá. “Điều kiện được hưởng đặc xá đã chặt chẽ chưa, có chặt quá hay không so với hiện hành? Quy định như thế này có mở rộng đối tượng được đặc xá hay không?”, bà Ngân nêu vấn đề.
Bao nhiêu người được đặc xá tái phạm tội?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Tỷ lệ tái phạm tội sau đặc xá là bao nhiêu? Vì mỗi lần đặc xá là địa phương lại lo lắm. Tội phạm không giảm đi mà lại tăng lên”. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, đề nghị làm rõ 10 năm thực hiện luật Đặc xá đã đạt được kết quả như thế nào.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết trong 10 năm thi hành luật Đặc xá đã có 85.897 trường hợp được đặc xá trong 7 đợt. Công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được là 3.184 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Anh cũng cho hay, theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 10 năm qua, mỗi năm đặc xá 8% những người đang chấp hành án phạt tù. Trong số hơn 85.000 người được đặc xá, chỉ 1.007 trường hợp tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 1,21%.
Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong bày tỏ băn khoăn với số liệu này và cho biết, báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư thì tỷ lệ tái phạm tội sau đặc xá là 4,34%. “Tôi khá băn khoăn khi trình tự thủ tục, thời gian xử lý đặc xá rất đặc biệt mà số tái phạm trở lại chưa thống nhất giữa 2 báo cáo”, ông Phong nói.
Bình luận (0)