Như Thanh Niên thông tin, tối 20.12, Phan Hoàng Minh Tuấn (37 tuổi, ngụ Quảng Bình), Nguyễn Đăng Cường (36 tuổi), Trần Quang Trường (34 tuổi, đều ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng một số người khác tổ chức ăn nhậu và hát karaoke bằng loa “kẹo kéo” tại dãy nhà trọ T.T (thuộc KP.Phước An, P.Phước Bình, TX.Phước Long, Bình Phước). Thấy nhóm của Tuấn ăn nhậu, hát karaoke ồn ào, anh Võ Hồng Dương (40 tuổi), con rể chủ dãy nhà trọ T.T, cầm gậy bóng chày bằng kim loại đến vừa chửi vừa đập loa và vào người nhóm Tuấn, Cường, Trường. Được mọi người can ngăn, Dương về lại phòng mình. Vài phút sau, Dương cầm gậy bóng chày đi đến phòng trọ của Tuấn tiếp tục chửi và thách thức. Thấy vậy Cường, Trường và Tuấn lao vào đánh nhau với Dương. Tuấn cầm con dao tự chế đâm vào ngực Dương khiến nạn nhân gục xuống đất và tử vong sau đó. Sau khi gây án, Tuấn đến cơ quan công an đầu thú.
Karaoke “kẹo kéo”, nỗi ám ảnh của nhiều người |
Ngọc Dương |
Vấn nạn kéo dài từ năm này qua năm khác
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng liên quan đến việc mở loa karaoke “kẹo kéo” ca hát gây ồn ào. Nhiều người rất bức xúc trước vấn nạn này. “Nói hoài, nói mãi, bao năm qua báo chí phản ánh rất nhiều nhưng vẫn chẳng thấy có gì thay đổi. Nạn karaoke này “khủng bố” người dân từ năm này qua năm nọ, rồi dẫn đến những kết cục mà hầu như ai cũng đoán được. Chẳng lẽ cả hệ thống pháp luật bất lực, chịu thua?”, bạn đọc (BĐ) Tuấn Khanh bức xúc.
Tương tự, BĐ Nguyên Mạnh cảnh báo: “Đã xảy ra rất nhiều án mạng từ karaoke “kẹo kéo”. Cần phải mạnh tay với vấn nạn này. Nếu không được cơ quan chức năng xử lý rốt ráo thì sẽ còn nhiều vụ xảy ra...”.
Trong khi đó, BĐ Thành Nguyễn thẳng thắn: “Cả ngày đi làm về mệt mỏi cần được nghỉ ngơi thì bị karaoke tra tấn ai chịu nổi. Chính quyền ở đâu khi vấn nạn này tấn công người dân? Rất nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh, như vấn nạn “ô nhiễm tiếng ồn” này, cần được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật chặt hơn, nghiêm hơn nhưng pháp luật hiện hành lại không theo kịp”.
“Biết bao người chết liên quan đến cái loa karaoke “kẹo kéo” rồi, sao chưa nghe cơ quan chức năng đưa ra luật, xử lý nghiêm để cuộc sống người dân được yên bình?”, BĐ Quỳnh Như bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Cuong ý kiến: “Nhu cầu ca hát giải trí là cần thiết nhưng gây “ô nhiễm tiếng ồn” tra tấn người khác thì không được. Có quá khó đối với ban ngành, chính quyền trong việc xử lý vấn nạn này?”.
Phải kiên quyết dẹp bỏ
Với những hệ lụy mà karaoke “kẹo kéo” để lại, BĐ Thanh Niên mong mỏi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để dẹp bỏ vấn nạn này. “Các cơ quan chức năng phải dẹp bằng được tệ nạn hát karaoke ồn ào khi tổ chức ăn nhậu, tiệc tùng. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Nếu chúng ta không mạnh tay với tình trạng hát karaoke kiểu này thì còn nhiều hệ lụy cho xã hội”, BĐ Huong Duong đề nghị.
Chỉ tệ nạn karaoke “kẹo kéo” mà cả hệ thống pháp luật không tìm cách xử lý được thì lạ thật.
Tan Thi
Sự việc cảnh báo biết bao nhiêu lần mà không có cách nào giải quyết triệt để.
D.Phuong
Nên cấm hẳn chứ không chỉ cấm sau 22 giờ. Thử hỏi người dân làm ca đêm, ban ngày về ngủ cũng đã không đủ giấc rồi mà còn bị tiếng ồn từ loa “kẹo kéo” tra tấn nữa thì chịu sao nổi?
Le Minh
Tương tự, BĐ Trung Quang viết: “Đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật cấm mở loa hát hò ở ngoài phạm vi nhà ở, mở loa gây tiếng ồn liên tục nơi công cộng. Muốn hát hò thì phải đảm bảo điều kiện cách âm theo quy định. Phải làm quyết liệt. Đừng để án mạng xảy ra nữa”.
“Những vụ án mạng mà nguyên nhân gián tiếp do loa “kẹo kéo” gây ra chắc chắn không phải lần đầu tiên. Nên cấm triệt để việc hát karaoke tại gia mà không đảm bảo được tiếng ồn không ảnh hưởng đến người khác”, BĐ Minh Tuấn ý kiến.
“Cái kết đã được báo trước, khi chính quyền không làm triệt để thì sẽ còn nhiều cái chết vì cái loa “kẹo kéo” gián tiếp gây ra”, BĐ Ngoc Thuy cảnh báo.
Bình luận (0)