Không loại trừ nguy cơ sóng thần

10/11/2005 00:49 GMT+7

Liên tiếp trong vài tháng qua động đất đã xuất hiện tại TP.HCM và một số vùng phụ cận thuộc Đông Nam Bộ, Nam Bộ với tần số xuất hiện ngày càng dày hơn. Trước tình hình đó, những cư dân trú ngụ tại các khu nhà cao tầng không khỏi hoang mang, lo lắng.

GS-TS khoa học Lê Minh Triết: Khả năng một chu kỳ mới đang bắt đầu...

Sáng 8/11, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS-TS khoa học Lê Minh Triết (Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành - thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại TP.HCM) về hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua tại TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

* Thưa giáo sư, nhiều người dân ở vùng biển nhất là Phan Thiết, Vũng Tàu lo lắng động đất ở ngoài khơi sẽ gây ra sóng thần. Vậy sóng thần có thể xảy ra ở Việt Nam hay

không ?

- Cho đến nay, các nhà khoa học chưa thể dự báo được động đất, nhưng sóng thần do động đất thì có thể cảnh báo được trước khi nó ập vào bờ. Không phải cứ động đất ngoài biển là xảy ra sóng thần. Năng lượng động đất (độ richter) phải trên 6, cộng với địa hình đáy biển phải có sự trồi sụt mới có thể tạo nên sóng thần. Khả năng xảy ra sóng thần do động đất ở khu vực biển Đông là rất thấp bởi trên đứt gãy Thuận Hải - Cà Mau ở ngoài khơi và đứt gãy sông Sài Gòn (từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Tây Ninh), khả năng động đất khó vượt quá 5,5 độ richter. Miền Nam nằm ở xa vùng động đất mạnh của thế giới và được xem là vùng có động đất yếu.

* Vậy vì sao TP.HCM và các tỉnh miền Nam gần đây lại xảy ra liên tiếp những trận động đất ?

- Hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra vừa qua cho thấy khả năng đang bắt đầu một chu kỳ hoạt động mới của đứt gãy Thuận Hải - Cà Mau, đã từng hoạt động trước đây.

* Không thể dự báo được động đất, nhưng chúng ta có thể làm được việc gì để cảnh báo?

- Chúng ta có thể làm được việc phân vùng động đất để biết vùng này nếu có xảy ra động đất thì ở cấp mấy và lưu ý khi xây dựng công trình phải có kỹ thuật kháng chấn (chống động đất). TP.HCM chưa làm được việc này, chỉ mới có đề án phân vùng nhỏ về động đất trong khi ở Hà Nội đã làm rồi. Trong đề án, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 3-4 trạm ghi nhận các vi địa chấn (những cơn địa chấn nhỏ mà con người không cảm nhận được), từ đó xác định có khả năng xảy ra động đất lớn hay không. Tôi được biết, Chính phủ dự kiến đặt 2 trạm đo động đất ở Côn Đảo và Phú Quốc để phục vụ cho việc cảnh báo sóng thần, thuộc chương trình chung của khu vực Đông Nam Á.

* Thưa giáo sư, động đất cấp mấy là có thể gây thiệt hại đến công trình xây dựng?

- Động đất được chia làm 12 cấp và cấp 6 là bắt đầu gây hư hại. Tuy nhiên, động đất ảnh hưởng ít hay nhiều còn tùy thuộc vào nó ở nông hay sâu. Nếu chấn tiêu (khoảng cách từ mặt đất đến chấn tâm) nhỏ, dù năng lượng không mạnh, cũng có thể gây hậu quả lớn. Trên thế giới đã từng có trận động đất chỉ 5,1 - 5,2 độ richter, nhưng vì chấn tiêu chỉ có 8 km nên đã gây ra hậu quả nặng. Ở miền Nam, chúng ta vẫn chưa có ý thức đầy đủ về biện pháp kháng chấn đối với các công trình xây dựng. Theo quy định của Bộ Xây dựng trước đây, những vùng có động đất mạnh cấp 6 thì không cần kháng chấn. Điều này chỉ đúng với trước đây, chưa có những công trình lớn. Trong khi đó, chúng ta hiện đang có những tòa nhà cao tầng và chuẩn bị xây dựng rất nhiều công trình lớn như metro, cầu, cao ốc... thì động đất cỡ cấp 6 là có thể xảy ra rung động mạnh, rất nguy hiểm.

Mai Vọng (thực hiện)

Viện Vật lý địa cầu: Cần có thời gian và kinh phí mới biết được quy luật...

Nói về hiện tượng động đất xảy ra khá liên tục từ tháng 8 đến nay tại khu vực ngoài khơi biển Vũng Tàu ảnh hưởng đến đất liền, ông Nguyễn Tự Sơn, Trưởng phòng Quan sát động đất, Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ VN) cho biết:

- Đến 16 giờ chiều 9/11, chúng tôi chưa có thông tin gì thêm về hiện tượng động đất tiếp theo. Có thể đã xảy dư chấn nhưng mức độ nhẹ nên các thiết bị tại Hà Nội không ghi nhận. Ngoài ra, cũng chưa có các thông tin gì từ các trạm quan trắc tại địa phương thông báo về.

* Nhưng qua những gì người dân thấy thì động đất xảy ra khá liên tục trong thời gian ngắn. Vậy, về khía cạnh chuyên môn, ông có ý kiến gì về hiện tượng này?

- Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, từ tháng 8 đến nay, đúng là có 3 đợt động đất liền nhau chứ không phải là 3 trận. Vì mỗi đợt có 1-2 trận với mức độ khác nhau. Theo tôi, hiện tượng động đất như vậy là bất thường. Tuy nhiên, để có thể đưa ra ý kiến rằng việc này có xảy ra theo quy luật nào hay không lại cần phải được theo dõi, quan sát trong cả một quá trình theo thời gian. Và phải có kinh phí, thiết bị hỗ trợ và trình độ nữa.

* Chúng ta cần bao nhiêu trạm quan trắc động đất, thưa ông ?

- Nếu theo yêu cầu thì cứ 100 km cần có một trạm quan trắc. Mà chiều dài nước ta đến gần 2.000 km. Cứ làm phép tính ra thì biết chúng ta cần phải có bao nhiêu trạm. Rồi kèm theo nó là lực lượng cán bộ có chuyên môn nữa. Còn dự báo về động đất tới đây tại vùng này thì chúng tôi vẫn cho rằng nếu có xảy ra thì mức độ cũng chỉ như vừa qua. Có bất thường nhưng khả năng gây thiệt hại là không nghiêm trọng.

* Như vậy, người dân có thể yên tâm với các công trình xây dựng?

- Ý tôi muốn nói là về cơ bản, các trận động đất sẽ không lớn, không nguy hiểm về cấp độ. Nhưng tôi cũng đã nói rằng, có thể xảy ra những tác hại không thể nhìn thấy ngay. Có thể với tác động của động đất, tuổi thọ hoặc chất lượng công trình vẫn chịu những tác động nhất định. Đơn giản như nhà đang có một vết nứt đang nhỏ sẽ trở nên to hơn. Nói chung, việc đánh giá ảnh hưởng cũng khá phức tạp vì phải biết rõ hiện trạng công trình trước và sau động đất và cũng cần có thời gian thực hiện nữa.

Liên Châu (ghi)

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (ảnh), Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ VN): “Theo tôi, những công trình đảm bảo chất lượng thi công thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu việc xây dựng bị rút ruột hoặc xây dựng không tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu chất lượng thì động đất cấp 5-6 cũng cần được quan tâm rồi. Nền đất của TP.HCM lại có đặc điểm là đất bồi gần sông, cát pha, sét pha bùn nên cũng không phải là nền bền chắc. Vì vậy, động đất nếu gặp nền đất này cũng có thể gia tăng mức chấn động. Tôi được biết, ngành xây dựng sắp đưa ra tiêu chuẩn kháng chấn cho các công trình xây dựng. Lúc đó, các đơn vị thi công và người dân cũng nên tham khảo.

Với tính chất động đất tại khu vực này, dù xảy ra ngoài khơi nhưng sẽ không đủ mạnh để gây nên sóng thần vì sóng thần còn phụ thuộc vào những sóng ngang mà vùng này chỉ có sóng dọc. Tất nhiên, động đất cũng khiến cho thuyền tròng trành hơn tại thời điểm xảy ra, đặc biệt với thuyền nhỏ nhưng không phải quá nguy hiểm. Còn việc phòng hộ khi ra khơi đối với ngư dân thì bất kỳ thời điểm nào cũng cần thiết”.

Liên Châu (ghi)

Khả năng phát hiện động đất, sóng thần của loài chó

LTS: Ông Nguyễn Văn Lãng là một người nuôi chó giàu kinh nghiệm, đã được Thanh Niên giới thiệu qua ký sự nhiều kỳ Người nuôi chó số 1 Sài Gòn. Trước hiện tượng động đất xảy ra liên tục tại phía Nam trong thời gian gần đây, ông đã gửi đến Thanh Niên bài viết dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Từ những năm đầu của thế chiến thứ hai, khi Đức ồ ạt tấn công châu u bằng bom V2 (trước đó là V1), người ta phát hiện trước các loạt tấn công từ 5 - 10 phút, đồng loạt chó nuôi ở khắp các vùng sẽ bị oanh kích bằng V2 của Đức đều ngẩng đầu hướng lên trời sủa vang. Từ đó, những ai nuôi chó phát hiện thêm ngoài khả năng đánh hơi (thính hơn mũi người 10.000 lần), chó còn có khả năng nghe được siêu âm mà người không thể nghe được và kèn thổi siêu âm đã ra đời dùng để huấn luyện chó. Trước kia, khi còn trại nuôi chó Văn Lang (khoảng năm 1965 - 1972 ở xa lộ Hà Nội, TP.HCM ngày nay), tôi đã từng phát hiện khả năng này ở chó: Lúc ấy tôi có chiếc xe Traction 15 có gắn một còi xe khá đặc biệt: tiếng còi bò rống ah...u...gah... Cứ mỗi lần về cách nhà khoảng 2.000m, tôi chỉ cần nhấn kèn này thì ở nhà cả đàn chó đều sủa vang báo hiệu cho người nhà ra mở cổng sẵn và chỉ 2, 3 phút sau tôi về tới.

Vừa qua, bên Indonesia người dân cũng phát hiện các loài thú cũng cảm nhận được mối nguy cơ sóng thần, vì vậy tất cả các loài, đặc biệt là chó nuôi đều bỏ chạy trước khi sóng thần tiến vào bờ. Kết thúc các đợt sóng thần, hàng trăm ngàn người chết, còn loài chó thì bình an. Khả năng cảm nhận sóng thần của chó là chính xác, vì vậy ngoài các thiết bị đo đạc đang được lắp đặt vẫn có nguy cơ sai số song sử dụng chó để cảnh báo cũng đang là đề tài cho các nơi có nguy cơ nghiên cứu ứng dụng.

Mới đây, các đợt dư chấn động đất xảy ra, tại các vùng chịu ảnh hưởng dư chấn, dân cư cũng phát hiện chó nuôi phản ứng sủa vang trước mỗi đợt.

Các giống chó nhạy cảm nhất với sóng siêu âm hàng đầu là berger Đức, kế đến là các giống chó làm việc như doberman, Boxer... và ngay cả các con chó nhỏ nuôi làm kiểng. Song hiệu quả nhất vẫn là các giống chó lớn vì chúng thường sống bên ngoài còn các giống kiểng nuôi trong nhà thường bị các tạp âm như tủ lạnh, máy lạnh... nên khả năng phát hiện ít hơn và thiếu chính xác.

Riêng Việt Nam, ngoài các giống chó lớn có nguồn gốc ngoại nhập hiện được nhân giống và nuôi khá nhiều, chó Phú Quốc cũng là loại chó làm việc (giữ nhà, nghiệp vụ...) rất hiệu quả vì ngoài thân hình gọn nhẹ, mạnh dạn, thích nghi với điều kiện nuôi của Việt Nam... hoàn toàn có khả năng cảnh báo sóng thần, động đất nếu được nuôi dưỡng, huấn luyện đúng cách.

N.V.L

Cần bình tĩnh và có trách nhiệm khi gặp động đất

Người Nhật có thái độ rất bình tĩnh và đầy trách nhiệm với bản thân và cộng đồng trong những tình huống thảm họa như động đất. Dưới đây là các kỹ năng cần thiết ứng phó với động đất của người Nhật:

- Ngay lập tức thoát ra khỏi cao ốc, khách sạn, phòng làm việc hoặc nhà ở, lánh nạn tại những bãi đất trống, xa chỗ có đường dây điện hoặc cây to.

- Nếu ở trong nhà, tắt ngay các nguồn điện, gas, sưởi đang sử dụng, nấp dưới các vật có thể chịu nổi vật rơi như gầm bàn, gầm giường.

- Tận dụng mũ bảo hiểm nếu có.

- Nếu sơ tán phải nhanh chóng và trật tự theo hướng dẫn của cơ quan có trách nhiệm đến nơi an toàn gần nhất. Mang theo người giấy tờ tùy thân có ảnh, một chai nhựa đựng nước uống sạch, một đèn pin, một cái mền và 1 radio.

Mỹ Quyên (sưu tầm)

Nhà cao tầng đối phó với động đất như thế nào ?

Liên tiếp trong vài tháng qua động đất đã xuất hiện tại TP.HCM và một số vùng phụ cận thuộc Đông Nam Bộ, Nam Bộ với tần số xuất hiện ngày càng dày hơn. Trước tình hình đó, những cư dân trú ngụ tại các khu nhà cao tầng không khỏi hoang mang, lo lắng.

Thực tế cho thấy, vấn đề động đất ở VN đã bắt đầu trở thành một khái niệm khá quen thuộc và nhiều người nghĩ ngay đến vấn đề an toàn đối với các cư dân sinh sống, làm việc trong các tòa cao ốc. Thế nhưng, theo một số chuyên gia trong ngành kết cấu xây dựng, hiện nay trong quy chuẩn xây dựng VN mới chỉ khuyến cáo là nên thiết kế kết cấu sao cho có thể chống chọi với những xung động địa chấn với mức kháng chấn cấp 6 thang MSK (tương đương với cường độ khoảng 3-4 độ richter). Tiến sĩ Trà Thanh Phương - giảng viên chính khoa Kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Bách khoa (thuộc ĐH


Nhân viên các công ty tại Central Park Office Building (Q.1) bỏ chạy ra khỏi tòa nhà lúc 15 giờ ngày 8/11 (ảnh: Đàm Huy)

Quốc gia TP.HCM) cho biết: Qua kết quả khảo sát địa chấn tại một số vùng phía bắc VN và gần đây nhất là Đông Nam Bộ, mức độ ảnh hưởng của các cơn địa chấn chưa gây ảnh hưởng gì đến các công trình xây dựng bởi chỉ ở mức kháng chấn cấp 6 trở xuống. Như vậy, với các tòa cao ốc đã và đang xây dựng, khi chưa áp dụng một nghiên cứu thiết kế kết cấu phù hợp để tránh nguy cơ động đất thì độ an toàn sẽ không được đảm bảo. Liên quan đến vấn đề này, chiều 8/11, một quan chức của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có một cuộc khảo sát trong lĩnh vực kết cấu xây dựng tại một số công trình cao tầng trên địa bàn TP, bước đầu chúng tôi nhận định là nếu có địa chấn nhẹ khoảng 3-4 độ richter thì hầu hết các công trình đều có thể đảm bảo an toàn và chưa có vấn đề gì. Do Quy chuẩn xây dựng VN vẫn chưa có quy định bắt buộc phải có giải pháp chống động đất cụ thể kèm theo các hồ sơ xây dựng công trình nên vẫn chưa áp dụng trong việc cấp phép. Hiện nay, việc xem xét hồ sơ cấp phép xây dựng cho các công trình cao tầng vẫn chỉ thẩm định thiết kế kết cấu sao cho có thể chịu được xung động địa chất ở một mức độ vừa phải, chứ chưa đặt ra tiêu chuẩn là phải chống được với động đất ở mức độ cụ thể là bao nhiêu độ richter".

Trong các cuộc trao đổi với chúng tôi, rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải có yêu cầu bắt buộc đưa vấn đề thiết kế kết cấu công trình cao tầng có khả năng chống động đất vào Quy chuẩn Xây dựng VN một cách cụ thể. Điều này sẽ nâng cao độ an toàn cho người sử dụng cũng như độ bền của công trình và nhất là tạo tâm lý ổn định cho những cư dân sinh sống, làm việc trong những tòa cao ốc.

Trần Thanh Bình - Lê Nga

TS Hoàng Văn Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển (thuộc Vietsovpetro):

Không loại trừ khả năng có sóng thần ở Vũng Tàu

Việc tái hoạt động của các đứt gãy kiến tạo (những hoạt động địa chất tạo ra vết nứt lớn trong lòng đất, và những vết nứt này tạo ra các sự va chạm có thể dẫn đến động đất) là hiện tượng tự nhiên của lòng đất. Quanh khu vực TP.HCM - Vũng Tàu, ngoài các đứt gãy sông Sài Gòn, Hàm Tân - Vũng Tàu, còn có thể xảy ra tái hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Tiền, Vàm Cỏ Đông, Thuận Hải - Minh Hải... Tuy nhiên, theo thống kê, các đứt gãy trên có khả năng tái hoạt động ở trong lớp đá cổ trước Kainozoi, khó có thể tạo ra sóng thần hoặc phá hủy các công trình khai thác dầu khí đang hiện diện ở vùng biển thềm lục địa phía Nam. Việc tái hoạt động của các đứt gãy lớn khu vực ngoài thềm lục địa ở Thái Bình Dương - nơi lớp phủ trầm tích mỏng hoặc hoàn toàn vắng mặt mới có khả năng tạo ra sóng thần ở khu vực biển Đông. Ở thời điểm hiện tại, không có nhà khoa học nào dám khẳng định có hay không có, thời điểm xảy ra sóng thần ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Quá khó khăn cho các nhà khoa học!

Tôi cho rằng, khu vực ven biển Phan Thiết - Cà Mau và TP.HCM cần phải quan tâm đến điều kiện kháng chấn ở các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng. Hiện tại, không có nước nào khi xây dựng mà không quan tâm đến ảnh hưởng của động đất. Riêng khu vực TP.HCM, Vũng Tàu cần phải có hoạch định cụ thể trong xây dựng nhằm phòng chống ảnh hưởng của động đất, đặc biệt là Vũng Tàu, nơi không loại trừ khả năng hình thành sóng thần theo hướng tây bắc - đông nam. Theo tôi, những đồi cát tự nhiên và các rừng dương chạy dọc khu vực Bãi Sau của Vũng Tàu có giá trị rất lớn trong việc hạn chế sự tàn phá khủng khiếp nếu như sóng thần xuất hiện tại Vũng Tàu và các vùng biển lân cận. Việc cần làm ngay bây giờ là đặt các trạm ghi dư chấn ở các khu vực ven biển, tổ chức nghiên cứu và dự báo về động đất và sóng thần. Cái gì có nguy cơ thì ta nghiên cứu nó chứ không phải lảng tránh nó.

Vĩnh Nam (ghi)

Thiết kế chống động đất cho các công trình giao thông

TP.HCM đang triển khai thực hiện nhiều công trình giao thông quan trọng, có quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ và trong tương lai sẽ còn có các tuyến tàu điện ngầm dưới lòng đất. Theo các chủ đầu tư và các chuyên gia về lĩnh vực giao thông, những công trình này khi thiết kế đều có tính đến yếu tố chống động đất (ĐĐ), dù TP.HCM là nơi được xem là ít xảy ra hiện tượng này. Ông Lê Toàn, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP.HCM cho biết, cầu Thủ Thiêm đang được thi công, khi thiết kế đã có tính đến chống ĐĐ cấp 7. Một chiếc cầu khác bắc qua sông Sài Gòn, đẹp nhất và có quy mô lớn nhất TP.HCM là cầu Phú Mỹ, có trụ tháp dây văng cao đến 162,5m (cao hơn trụ tháp cầu Mỹ Thuận) cũng đã tính đến chống ĐĐ. Theo ông Mạc Đăng Nớp, Phó giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, nhà thầu quốc tế đã tìm hiểu các số liệu về tình hình ĐĐ ở miền Nam trong 50 năm trở lại đây và cũng đã thiết kế chống ĐĐ cấp 7. Còn đối với công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm nằm dưới lòng sông Sài Gòn, có kỹ thuật hết sức phức tạp thì như thế nào? Theo ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM thì tư vấn quốc tế trước khi bắt tay thiết kế đã nghiên cứu rất kỹ tình hình ĐĐ ở khu vực miền Nam cũng như tại TP.HCM và cũng đã tính toán chống ĐĐ cấp 7 cho công trình này. Các công trình nghiên cứu xây dựng tàu điện ngầm cho TP.HCM trong tương lai cũng đã tính đến khả năng xảy ra ĐĐ. Tiến sĩ Trần Luân Ngô, Sở GTCC TP.HCM cho biết, theo Tiêu chuẩn TCN 221-95 của Bộ Giao thông vận tải, các công trình giao thông nằm trong vùng có ĐĐ cấp 7 trở lên thì phải có thiết kế chống ĐĐ còn từ cấp 6 trở xuống thì không cần. Địa bàn TP.HCM được xác định là vùng có ĐĐ cấp 6, cấp 7 (tùy theo từng khu vực) nên hệ thống tàu điện ngầm khi thiết kế cũng sẽ tính đến chống ĐĐ cấp 7.

TP.HCM còn có hệ thống ngầm rất quan trọng khác là mạng lưới đường ống cấp nước, trong đó có nhiều tuyến ống truyền tải với đường kính 2.000 - 2.400 mm, liệu các trận ĐĐ vừa rồi có ảnh hưởng gì ? Ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, qua theo dõi sau các trận ĐĐ vừa qua vẫn chưa thấy có ảnh hưởng gì. Ông Châu nói: "Do trước đây không có ĐĐ, nên các tuyến ống cấp nước được thi công từ trước tới giờ ở TP.HCM cũng không tính đến hệ số chống ĐĐ trong khi các nước thường có ĐĐ như Nhật Bản thì có tính đến hệ số này cũng như quy định tiêu chuẩn ống cấp nước phải chống được ĐĐ. Nay TP.HCM đã xảy ra ĐĐ thì chắc sẽ phải xem xét đến yếu tố này khi thiết kế xây dựng hệ thống cấp nước".

Mai Vọng

Ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Kháng chấn cho các công trình xây dựng

Theo Bản đồ phân vùng động đất VN của Viện Vật lý địa cầu thì TP.HCM và các vùng lân cận có động đất nhỏ, dưới cấp 7. Ở khu vực này, một công trình xây dựng thông thường có kết cấu chịu lực gió bão cấp 7 đến cấp 12 đã hoàn toàn có đủ khả năng kháng chấn. Với những công trình xây dựng liên quan đến sự an toàn của đông người như: nhà chung cư cao tầng, nhà hát, sân vận động, siêu thị... hoặc khi thẩm định các công trình xây dựng trong vùng cóá động đất từ cấp 7 trở lên, cơ quan thẩm định đều đòi hỏi trong thiết kế phải tính toán kháng chấn. Trước những công trình đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, phải tổ chức hội đồng thẩm định tập hợp các chuyên gia đầu ngành về địa chấn, địa chấn học, về công trình để xem xét, kiểm tra và đánh giá về mức độ an toàn của giải pháp thiết kế kháng chấn. Ví dụ như Thủy điện Sơn La vừa rồi, tính toán khả năng chịu động đất đến cấp 8 và còn phải kiểm tra đối với động đất cấp 9. Chỉ khi thỏa mãn các tiêu chuẩn về kháng chấn thì một công trình bất kỳ mới được đưa vào thi công. Phần lớn các công trình xây dựng ở VN hiện tại đều được tính toán kháng chấn theo tiêu chuẩn của Liên Xô, một số công trình gần đây theo tiêu chuẩn của Mỹ. Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng VN nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng trên lãnh thổ VN. Bản tiêu chuẩn này đang trong giai đoạn hoàn thành.

Tuyết Nhung (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.