TNO

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam

26/01/2016 11:45 GMT+7

(Tin Nóng) Nhờ rút ra kinh nghiệm xương máu từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà Không lực Mỹ sau này đã thành công trong cuộc chiến vùng Vịnh và những nơi khác, theo tạp chí Airman ngày 19.1.

(Tin Nóng) Nhờ rút ra kinh nghiệm xương máu từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà Không lực Mỹ sau này đã thành công trong cuộc chiến vùng Vịnh và những nơi khác, theo tạp chí Airman ngày 19.1.

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 1

Một tiêm kích ném bom F-105D Thunderchief (phải) bốc khói và cháy sau khi trúng mảnh tên lửa phòng không SA-2 nổ gần đó, ngày 14.2.1968 trên bầu trời Bắc Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ

Tạp chí Airman (của Quân đội Mỹ) ngày 19.1 dẫn lời của tiến sĩ sử học Wayne Thompson, tác giả cuốn sách Đến Hà Nội và trở về (năm 2000) nói rằng công trình của ông cho thấy Không lực Mỹ đã học được bài học từ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam và đã áp dụng để giành thế thống trị trong các cuộc không chiến mấy thập kỷ sau đó.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Nam Á đã giúp Không lực Mỹ chuyển đổi từ tập trung cho chiến tranh hạt nhân đối phó Liên Xô sang chiến tranh thông thường, theo ông Thompson.

Trong chiến tranh Việt Nam, Không lực Mỹ mất 2.255 máy bay và 1.741 phi công, nhưng theo tác giả Thompson thì đây là tỉ lệ thiệt hại ở mức thấp hơn dự tính. Không lực Mỹ tiến hành các phi vụ chiến đấu ở Việt Nam nhiều gấp 2 lần so với trong Thế chiến II, và có tỉ lệ thiệt hại (máy bay, phi công) chỉ 0,4 trên 1.000 phi vụ so với 9,7/1.000 trong Thế chiến II và 2/1.000 trong cuộc chiến Triều Tiên.

Cuộc chiến Việt Nam cũng là cơ hội để Không lực Mỹ thúc đẩy nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới như máy bay chiến đấu mới, radar mới, phương pháp làm mù radar đối phương, phương tiện hoạt động trong đêm tối, và vũ khí điều khiển chính xác, theo Thompson.

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 2

Các máy bay tiêm kích ném bom F-105 bay thả bom với sự hướng dẫn của máy bay trinh sát điện tử B-66 Destroyer trên bầu trời phía nam Bắc Việt Nam ngày 14.6.1966 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Chú trọng chiến tranh hạt nhân mà bỏ qua chiến tranh thông thường

Bài học đầu tiên là việc Không lực Mỹ do quá chú trọng chiến tranh hạt nhân mà xem nhẹ chiến tranh thông thường với các vũ khí, khí tài cho cuộc chiến này, theo ông Thompson. Lúc đó máy bay quân sự Mỹ được đầu tư để phục vụ chiến tranh lạnh, cuộc chiến hạt nhân chống Liên Xô và Trung Quốc. Do vậy Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam với các máy bay chiến đấu chủ yếu như F-4 Phantom, F-100 Super Sabre và F-105 Thần sấm, không chú trọng dùng máy bay ném bom như B-52 vì ban đầu là để dùng ném bom hạt nhân.

Từ đầu năm 1965, Không lực Mỹ muốn dùng B-52 tấn công 94 mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam vì loại oanh tạc cơ này bay được trong mọi thời tiết, mang nhiều bom, có radar, không ngại mây mù lẫn tên lửa phòng không. Thời tiết ở miền Bắc Việt Nam gây hạn chế cho các cuộc ném bom bằng máy bay chiến đấu của Mỹ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Tuy vậy tổng thống Lyndon B. Johnson bỏ qua đề xuất này của Không lực Mỹ và chỉ cho B-52 ném bom hạn chế ở các mục tiêu như đường giao thông và kho hàng gần biên giới Lào và Nam Việt Nam. Lý do là Johnson sợ dùng B-52 sẽ khiến Trung Quốc lo sợ rồi can dự vào cuộc chiến như từng làm ở Triều Tiên.

Không lực Mỹ đề xuất ném bom các vị trí tên lửa phòng không Bắc Việt Nam nhưng bị chính quyền Mỹ bác bỏ vì không muốn ném bom gần các địa điểm của chính phủ ở Hà Nội. Phi công Mỹ được lệnh tránh xa khu vực có đường kính 16 km tại Hà Nội và khoảng 6 km ở Hải Phòng.

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 3

Một máy bay C-130 tiếp dầu cho trực thăng sẵn sàng bay giải cứu phi công Mỹ bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam, năm 1968 - Ảnh: Không lực Mỹ

Bay 100 phi vụ sẽ được về nước

Một bài học nữa là việc lập chỉ tiêu số lần bay tham chiến ở Việt Nam để được về Mỹ. Không lực Mỹ ra chỉ tiêu rằng nếu phi công bay được 100 phi vụ ở miền Bắc Việt Nam thì sẽ được cho về Mỹ, nhưng ít phi công (kể cả sĩ quan lái máy bay tác chiến điện tử tháp tùng) đạt được con số này.

Để đạt chỉ tiêu 100 phi vụ, phi công Mỹ phải đối mặt tiêm kích MiG-17 và MiG-21 của Bắc Việt Nam cùng hỏa lực của tên lửa phòng không, pháo cao xạ. Ngày 15.11.1965, không đoàn 469 sau 2 ngày vừa đến Thái Lan đã mất phi công đầu tiên là trung úy Bill Cooper khi bay đánh phá cầu Phủ Lạng Thương.

Đại tá không quân về hưu Bob Krone, từng chỉ huy Không đoàn 469 ở căn cứ Korat, Thái Lan nhớ lại: “Ai đạt 100 phi vụ là những người may mắn. Có đến 35% số phi công máy bay F-105D/F và sĩ quan tác chiến điện tử không đạt chỉ tiêu này từ năm 1965 đến 1968”.

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 4

Một phi công Mỹ (phải) được toán cứu hộ giải thoát sau khi bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ

“Chính sách này dựa trên tỉ lệ rủi ro cao khi bay vào Bắc Việt Nam, nơi có hệ thống phòng không được xem là rất nguy hiểm. Nhiều phi công tình nguyện bay lần 2 và trong số đó có nhiều thương vong”, ông Krone nói thêm.

Chỉ tiêu 100 phi vụ chấm dứt khi chiến dịch ném bom Sấm rền của Mỹ với miền Bắc Việt Nam (từ năm 1965) đi vào kết thúc. Trong chiến dịch này Mỹ đã thả 643.000 quả bom, gây thiệt hại ước tính 300 triệu USD cho Bắc Việt Nam, nhưng Không lực Mỹ mất khoảng 900 máy bay.

Dùng B-52 và vũ khí điều khiển chính xác

Năm 1972, tổng thống Richard M. Nixon cho phép sử dụng đại trà oanh tạc cơ B-52 đánh phá dữ dội Bắc Việt Nam với chiến dịch Linebacker. Lần đầu tiên Mỹ sử dụng bom điều khiển bằng tia laser được xem là có hiệu quả trong việc đánh vào các cây cầu. Ông Thompson cho hay hơn 100 cây cầu đã bị phá hủy bằng bom điều khiển laser loại 1 tấn và 1,5 tấn.

Cao điểm là tháng 12.1972, Mỹ dùng B-52 đánh phá dữ dội ngày đêm qua chiến dịch Linebacker II để gây sức ép trên bàn hội nghị Paris. Tính đến 29.12.1972 Không lực Mỹ đã tiến hành 700 phi vụ B-52 ban đêm và 650 phi vụ ban ngày do các chiến đấu cơ tiến hành. Năm 1972 là thời điểm Mỹ huy động đến 200 chiếc B-52 hoạt động ở Đông Nam Á, so với chỉ 60 chiếc ở Guam và Thái Lan vào năm 1967, theo ông Thompson.

Sử gia này cho rằng việc dùng B-52 và nhất là bom điều khiển bằng laser vào cuối cuộc chiến là có hiệu quả, vì bom điều khiển laser đánh chính xác hơn nên gây thiệt hại lớn lao hơn 100 quả bom thông thường trên cùng một mục tiêu.

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 5

B-52 của Mỹ rải bom ở miền Bắc Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ

Không lực Mỹ và bài học từ chiến tranh Việt Nam - ảnh 6
Nhân công Việt Nam múc bùn nước tại một địa điểm khai quật tìm hài cốt phi công máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam, tại Điện Biên Phủ ngày 15.11.2015. Có 75 nhân công Việt Nam làm việc tại đây trong dự án phối hợp giữa Cơ quan tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (Bộ Quốc phòng Mỹ) và cơ quan chức năng Việt Nam - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Hai thập kỷ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, các bài học mà Không lực Mỹ rút ra từ cuộc chiến này đã được áp dụng thành công tại chiến trường vùng Vịnh năm 1991, khi Không lực Mỹ gần như làm chủ bầu trời Iraq lúc chiến dịch Bão táp sa mạc tiến hành tháng 1.1991. Sáu tuần lễ không kích liên tục đã mở đường cho cuộc chiến trên bộ sau đó chỉ diễn ra trong 4 ngày khiến Iraq rút quân khỏi Kuwait và xin ngừng bắn, phía Mỹ thiệt hại chưa tới 200 lính, theo ông Thompson.

“Chúng ta đã có bom dẫn đường bằng laser tuy còn thô sơ vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng đến cuộc chiến vùng Vịnh, chúng ta đã có bom dẫn đường bằng laser hiện đại có thể dùng vào ban đêm và còn được máy bay chiến đấu tàng hình sử dụng. Điều đó có nghĩa là về cơ bản ta có thể ném bom bất cứ mục tiêu nào mà chúng ta biết. Đó là một bước tiến lớn”, ông Thompson nhận xét.

Anh Sơn

>> Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh VN điều hành thế nào?
>> Tiêm kích MiG-21: Khẩu AK biết bay
>> Hồ sơ: Bãi đáp trực thăng trên cây trong chiến tranh Việt Nam
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam
>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.