Không phải đấu giá quyền thăm dò khoáng sản

27/10/2010 15:28 GMT+7

(TNO) Đó là kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khi Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Khoáng sản (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở hội trường chiều nay, 27.10.

Không quy định đấu giá vì tính rủi ro cao

Việc có quy định bắt buộc đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản trong dự luật hay không, vốn là vấn đề chưa đạt được ý kiến đồng nhất giữa các thành viên Ủy ban TVQH khi thảo luận về dự luật này tại các phiên họp mới đây của TVQH.

Trong báo cáo lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Riêng về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vẫn còn hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vì tính rủi ro trong hoạt động thăm dò là rất cao. Mặt khác, khi chưa thăm dò thì chưa đánh giá được trữ lượng, chất lượng khoáng sản nên khó thực hiện.

Loại ý kiến khác cho rằng, hoạt động thăm dò khoáng sản không đấu giá nhưng phải lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm đủ điều kiện.

Trước hai luồng ý kiến khác nhau về việc có nên quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, quan điểm của Ủy ban TVQH là “hoạt động thăm dò khoáng sản là hoạt động đầu tư ban đầu chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, có tính rủi ro cao, cần khuyến khích để tìm kiếm, phát hiện khoáng sản của đất nước nên đề nghị không quy định hình thức đấu giá quyền thăm dò khoáng sản”.

Nhưng, để tránh tình trạng các nhà đầu tư không đủ năng lực thăm dò, Ủy ban TVQH đã quy định trong dự luật các điều kiện cơ bản để lựa chọn các tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản.

Cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai khoáng

Liên quan hoạt động chuyển nhượng thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, Ủy ban TVQH cho rằng, việc cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản là cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép, phát sinh nhiều tiêu cực và tính đa dạng của chuyển nhượng, nên giao Chính phủ quy định cụ thể, chặt chẽ các điều kiện đối với chuyển nhượng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật cũng bảo lưu quan điểm: giữ nguyên thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và giấy phép khai thác tận thu khoáng sản của UBND cấp tỉnh; bỏ quy định giao cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch khoáng sản của cả nước và ngoài khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Đồng thời, điều chỉnh theo hướng tăng cường sự quản lý của T.Ư trong việc cấp phép: đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ chỉ phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp phép (thăm dò, khai thác khoáng sản) ở các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.

“Sự điều chỉnh này nhằm khắc phục những tồn tại trong quản lý hoạt động khoáng sản như ở nhiều nơi trong những năm vừa qua. Việc khoanh định các khu vực khoáng sản cần tiến hành sớm và chặt chẽ, một mặt tăng tính chủ động của các địa phương, mặt khác để quản lý có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, nhất là những khoáng sản quý hiếm”, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền lý giải.

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng quy định: ngoài việc phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản còn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Dự Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành dự kiến từ ngày 1.7.2011.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.