Không phải iPhone, đây mới là thứ quý nhất Steve Jobs để lại cho Apple

Khương Nha
Khương Nha
28/11/2024 20:19 GMT+7

Gần 30 năm trước, cố CEO Steve Jobs đã tạo ra một "vũ khí bí mật", đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển rực rỡ của Apple nhiều năm về sau.

Năm 1997, Steve Jobs quay lại tiếp quản Apple. Khi đó, công ty được tổ chức dựa theo bộ phận sản phẩm. Mac thống trị, nhưng cũng có nhiều bộ phận khác như thiết bị ngoại vi và ứng dụng. Theo mô hình phổ biến thời đó, mỗi bộ phận đều có báo cáo tài chính riêng và được điều hành bởi một tổng giám đốc.

Ông Jobs không đánh giá cao cách tổ chức này. "Chúng tôi thà thuê một nhóm quản lý chuyên nghiệp bên ngoài. Mô hình này không hiệu quả chút nào. Hầu hết những giám đốc ở đây là kẻ ngốc. Họ biết quản lý nhưng không biết làm bất cứ điều gì", Barron's dẫn câu nói nổi tiếng của Jobs năm 1984, trước khi ông bị sa thải.

Không phải iPhone, đây mới là thứ quý nhất Steve Jobs để lại cho Apple- Ảnh 1.

Đồng sáng lập Apple Steve Jobs

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Giáo sư Jennifer Chatman, Hiệu trưởng tạm thời tại Trường Kinh doanh Haas-Berkeley, nói với Barron's rằng: "Cấu trúc dựa trên sản phẩm rất tốn kém vì chúng yêu cầu mọi phòng ban đều xoay quanh sản phẩm. Điều này tạo ra lãng phí".

Công thức bí mật của Steve Jobs

Khi trở lại, Jobs đã sa thải tất cả tổng giám đốc, tổ chức lại các bộ phận, gộp báo cáo từng bộ phận vào đầu mối duy nhất. Cựu CEO Apple đã xác định lại các lĩnh vực quan trọng nhất của công ty là phần cứng, phần mềm và tiếp thị. Những người đứng đầu sẽ báo cáo trực tiếp với Jobs. Thêm vào đó, tiền thưởng của nhân viên sẽ không dựa trên hiệu suất của bộ phận mà phụ thuộc tình hình tài chính toàn công ty.

Giáo sư Chatman cho rằng: "Việc tổ chức công ty theo chức năng thay vì bộ phận đảm bảo mỗi phòng ban đều nắm bắt được các xu hướng mới và duy trì chuyên môn sâu một cách hiệu quả nhất".

Cấu trúc Jobs xây dựng cho Apple được xem là vũ khí quan trọng để công ty phát triển rực rỡ vào cuối những năm 90 và tiếp tục hiệu quả đến tận ngày nay. Theo các chuyên gia, không phải iPhone hay MacBook, đây mới là thứ quý giá nhất Steve Jobs để lại cho Apple.

Ông sắp xếp mảng dịch vụ chịu trách nhiệm về iCloud, Apple Music, Apple TV+ và các ứng dụng khác, hiện do Eddy Cue đứng đầu. Phần cứng thiết bị do John Ternus phụ trách và đơn vị thiết kế chip do Johny Srouji dẫn dắt. Mảng AI (trí tuệ nhân tạo) đang do John Giannandrea đứng đầu, sau khi tách khỏi phần mềm của Craig Federighi.

Khi Apple trở thành một công ty bán lẻ, công ty cũng có bộ phận riêng, hiện do Deirdre O'Brien đứng đầu. Tất cả người đứng đầu những bộ phận này đều báo cáo trực tiếp với Jobs, hiện tại là người kế nhiệm ông - Tim Cook.

Người tiếp theo sẽ dẫn dắt Apple

Theo công thức của Jobs, một trong số các giám đốc hiện tại sẽ là người tiếp theo dẫn dắt Apple. "Bạn có biết ai là nhà quản lý giỏi nhất không", Jobs hỏi vào năm 1984. Theo ông, đó là những cá nhân có đóng góp tuyệt vời, những người chẳng màng trở thành quản lý nhưng họ buộc nhận lấy vị trí đó vì không ai có thể làm tốt hơn.

Không chỉ sắp xếp lại các đơn vị quản lý, tầm nhìn của Jobs còn mở đường cho sự phát triển chặt chẽ của Apple sau này. Mỗi sản phẩm đều cần sự trợ giúp của các bộ phận khác trong công ty. Điều này giúp tăng tính hợp tác giữa các đơn vị. Các tổ chức này giúp Apple loại bỏ được cuộc chiến giành địa bàn và sức mạnh nội bộ của Mac, đảm bảo những thiết bị khác như iPad và iPhone vẫn có thể phát triển mạnh. Sự trỗi dậy của iPhone ngày nay trong cơ cấu doanh thu của Apple đã chứng minh tầm nhìn đúng đắn của Steve Jobs.

Không phải iPhone, đây mới là thứ quý nhất Steve Jobs để lại cho Apple- Ảnh 2.

Từ trái qua phải, Tim Cook, Steve Jobs, Phil Schiller

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Quan trọng hơn cả, cách sắp xếp này còn tạo cơ hội để các giám đốc có thể đi sâu vào chi tiết và tranh luận cởi mở về quan điểm của bộ phận mình đang quản lý trong các cuộc họp cấp cao. Việc này không chỉ đảm bảo Apple luôn theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ mà còn giúp tìm ra người kế nhiệm vị trí CEO tiếp theo.

Tuy nhiên cách sắp xếp bộ máy theo chức năng cũng có nhược điểm. Giáo sư Phanish Puranam tại Trường Kinh doanh Insead có trụ sở tại Singapore, nói với Barron's: "Mô hình này gây sức ép lớn lên các nhà quản lý, yêu cầu họ phải hợp tác mà không nhất thiết phải có quyền chỉ đạo. Điều này có thể vắt kiệt năng lượng của lãnh đạo, tăng nguy cơ nghỉ việc".

Đề giải quyết vấn đề này, Apple thường tránh những biến động về nhân sự cấp cao. Trong khi lãnh đạo bộ phận bán lẻ, thiết kế của Apple đã có sự thay đổi, những giám đốc về phần cứng, phần mềm, dịch vụ và tiếp thị vẫn là những nhân viên lâu năm của Apple.

Khác biệt với Samsung

Cách tiếp cận của Apple trái ngược hoàn toàn với Samsung. Đối thủ Hàn Quốc xây dựng mô hình hoạt động dựa trên bốn trụ cột là: DX dành cho thiết bị điện tử tiêu dùng, cạnh tranh với tất cả danh mục sản phẩm của Apple; DS dành cho bộ nhớ, chip và các lĩnh vực liên quan; SDC dành cho màn hình smartphone; và một bộ phận liên quan đến âm thanh với thương hiệu Harmon.

Cấu trúc này đòi hỏi Samsung phải tập trung nhiều vào chi phí nội bộ và những tiềm ẩn đi kèm. Hai chi phí lớn cho smartphone trong DX là chip và màn hình. Nhiều thành phần trong số này được cung cấp nội bộ. Điều này vô tình tạo nên những xung đột giữa DX với DS và SDC. DX muốn chi phí nội bộ thấp nhất cho các thành phần quan trọng này, trong khi các bộ phận khác luôn muốn bán được linh kiện với giá cao nhất có thể.

Kể từ 1998, doanh số của Apple đã tăng 6.482%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 17%, trong khi Samsung tăng trưởng 10% hằng năm.

Không phải iPhone, đây mới là thứ quý nhất Steve Jobs để lại cho Apple- Ảnh 3.

Cơ cấu về doanh thu và tốc độ tăng trưởng các ngành của Apple trong báo cáo tài chính năm 2023

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, mỗi công ty có một đặc thù riêng. Samsung có danh mục sản phẩm rộng lớn, còn Apple thì hẹp hơn. Samsung hoạt động với 232 công ty con, còn Apple có 18 công ty. Cấu trúc của Apple có thể không phù hợp với một tập đoàn đa ngành như Samsung, nhưng xét trên độ hiệu quả, những gì Steve Jobs xây dựng gần 30 năm trước vẫn khiến đối thủ phải đau đầu.

Ngày nay, nhiều nhà đầu tư nhìn vào báo cáo và cho rằng iPhone cùng mảng dịch vụ là thứ mang lại nhiều tiền nhất cho Apple. Nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy, cấu trúc sắp xếp công ty mà Jobs để lại cho công ty mới là sức mạnh vô hình. Đây là nền tảng quan trọng cho thành công lâu dài của Apple, dù công ty có trải qua các đợt chuyển giao lãnh đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.