Khó có thể đảm bảo chất lượng khi mà số lượng và trình độ giảng viên vẫn còn chênh lệch khá xa với quy mô phát triển sinh viên. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2011 - 2012, cả nước có 84.109 giảng viên cơ hữu, trong đó chỉ 286 giảng viên có chức danh giáo sư (0,5%), 2.009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%) và 28.037 thạc sĩ (47%). Ở đây chỉ mới bàn đến số liệu, chưa dám nói đến chất lượng thật sự của các giáo sư, tiến sĩ. Trong khi đó, cùng năm, cả nước có 2.204.313 sinh viên các hệ. Nếu chia bình quân, tỷ lệ này là hơn 26 sinh viên/giảng viên (vẫn cao hơn quy định hiện hành là 25 sinh viên/giảng viên). Nhưng trên thực tế, hầu hết các trường đều vượt xa tỷ lệ này, thậm chí có trường trên 60 hoặc 95 sinh viên/giảng viên.
Người giỏi, tâm huyết không thiếu nhưng vì nhiều lý do khiến các trường khó giữ chân được. Chính vì thế, chất lượng giảng viên, với nhiều trường là vấn đề lớn. Chúng tôi từng nghe một sinh viên than rằng: “Thầy muốn dạy gì thì dạy. Tụi em biết nhưng thấp cổ, bé họng nên đành chấp nhận”.
Vi phạm trong tuyển sinh và đào tạo đã trở thành chuyện bình thường. Năm nào cứ đến mùa tuyển sinh cũng thấy Bộ GD-ĐT cảnh cáo, nhắc nhở các trường làm sai về tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu. Theo số liệu Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012 diễn ra trong tuần qua, năm 2012 Bộ đã đình chỉ tuyển sinh 4 trường ĐH, CĐ; 17 ngành do những sai phạm trong đào tạo. Ở bậc sau ĐH, được xem là đào tạo tinh hoa, năm 2012, có 161 chuyên ngành ở 50 trường đào tạo thạc sĩ không đủ điều kiện theo quy định; còn nhiều thiếu sót trong công tác tổ chức và quản lý đào tạo tiến sĩ…
Việc xin phép mở ngành tuy có nhiều quy định ràng buộc nhưng với điệp khúc “khó người này, dễ với người kia” nên các trường vẫn dễ dàng vượt qua. Cuối cùng, có những ngành Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo nhưng thực tế lại chưa đủ điều kiện nên dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không đảm bảo chất lượng…
Đó là những điều có thể nhìn thấy, còn biết bao việc mà chỉ có người trong cuộc mới biết chỉ nhằm một mục đích lấy cho được người học, trao cho họ tấm bằng, rồi thôi. Rất nhiều trường không mấy quan tâm đến việc tạo một thương hiệu riêng biệt, độc đáo, không cảm thấy quá bức thiết với điều này. Bởi có trường biết rằng dẫu gì, sinh viên cũng không thể có nhiều lựa chọn.
Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm nay, giáo dục và đào tạo ĐH Việt Nam xếp trong khu vực Đông Nam Á chỉ trên 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar. So với thực tế, điều này không có gì bất ngờ. Thế nhưng đáng lo là với một chất lượng đào tạo như vậy, làm thế nào để sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường có đủ tự tin để cạnh tranh với lực lượng lao động các nước khác khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2015?
Có lẽ hiện nay y tế và giáo dục là số ít “mặt hàng” mà người mua phải bỏ tiền ra trước nhưng không hề được biết chất lượng “hàng hóa” như thế nào và cũng có rất ít cơ hội lựa chọn cái tốt hơn. Khách hàng - là sinh viên - chỉ nhận những gì trường có chứ không phải những điều mình mong muốn. Như vậy, rõ ràng là không sòng phẳng.
Thuỳ Ngân
>> Không sòng phẳng
>> Cần những hệ thống giáo dục tách biệt với giáo điều
>> Phải thống nhất một hệ thống giáo dục nghề nghiệp
>> Hệ thống giáo dục đừng làm uổng công học tập của chúng cháu
Bình luận (0)