(TNO) Thảo luận tại phiên họp sáng nay 7.4 về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội không tán thành chuyển phạt tiền thành phạt tù; đồng tình việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
- Ảnh: Tr.Sơn |
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban này tán thành với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình, nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Theo đó, sẽ bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ.
|
Liên quan quy định về việc chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù, ông Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành và cho rằng, quy định chuyển đổi hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi.
Liên quan đến quy định trên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù là chuyển sang một loại hình phạt khác nặng hơn nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa dự kiến được tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Khi chuyển đổi phạt tiền thành phạt tù thì cơ quan nào có thẩm quyền chuyển đổi? Trình tự, thủ tục ra sao?
Đáng chú ý, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo ông Hiện, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Do vậy, nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên (theo nhóm tội) sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, xuất phát từ đặc điểm tâm, sinh lý, khả năng phát triển của lứa tuổi này trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, trên cơ sở thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự và quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ, chế độ bảo vệ, chăm sóc và các biện pháp xử lý (hình sự, hành chính) đối với đối tượng này, cần cân nhắc, quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên theo hai nhóm gồm: người từ đủ 12 tuổi - dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Đề nghị giữ nguyên quy định ăn trộm từ 2 triệu đồng phải xử lý hình sự
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo loại bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ - Ảnh: Tr.Sơn
|
Nội dung khác của luật sửa đổi lần này là mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu, thuộc 4 nhóm tội đã được điều chỉnh với các mức tăng khác nhau. Trong đó, định lượng tối thiểu tăng từ 2 triệu đồng lên mức từ 5 triệu đồng.
Theo Ủy ban Tư pháp, việc điều chỉnh mức định lượng trên là một sự thay đổi rất cơ bản về chính sách hình sự và thực chất là phi tội phạm hóa trên phạm vi rộng. Theo quy định này, rất nhiều hành vi tội phạm trong Bộ luật Hình sự hiện hành sẽ không bị xử lý hình sự.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, thực tế cho thấy, tình hình an ninh - trật tự thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, một phần do các vi phạm có dấu hiệu tội phạm diễn ra hàng ngày nhưng không đủ căn cứ để xử lý hình sự, gây bức xúc, dẫn đến hành vi tự phát trong một bộ phận nhân dân như việc đánh chết các đối tượng trộm chó; tự xử bằng vũ lực trong quan hệ vay nợ; tình trạng xã hội đen đòi nợ thuê…
Đại diện Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc điều chỉnh như vậy dẫn tới nguy cơ gia tăng thêm hành vi vi phạm pháp luật, tạo diễn biến xấu tình hình an ninh - trật tự xã hội. Ngoài ra, việc tăng mức định lượng cần được cân nhắc thận trọng trình độ và điều kiện phát triển giữa các vùng, miền. Vì vậy, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra đề nghị vẫn giữ mức định lượng khởi điểm 2 triệu đồng như hiện hành.
Bình luận (0)