Không tăng tổng cầu trong nền kinh tế

21/02/2011 09:23 GMT+7

Tỷ giá tăng, giá hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh, giá một số mặt hàng thiết yếu chuẩn bị tăng... đang áp lực mạnh mẽ lên CPI năm 2011.

Kinh tế năm 2011 khởi đầu với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% và thông tin Chính phủ sẽ điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu theo hướng thị trường trong quý 1. Những yếu tố này đang dấy lên tâm lý lo lắng không kiềm chế được lạm phát và bất ổn vĩ mô trong năm nay, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Chúng ta phải nhìn nhận với nhau là kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ khó hơn năm 2010. Vấn đề này không mới vì cuối năm 2010 đã xuất hiện rất rõ. Thứ nhất là áp lực nguy cơ lạm phát cao lên năm 2011. Càng khó khăn hơn khi chúng ta phải chống lạm phát trong điều kiện lãi suất (LS) đã quá cao. Về nguyên tắc, muốn chống lạm phát thì phải tăng LS. Nhưng LS hiện nay đã rất cao nên không thể tăng được nữa. Nghĩa là công cụ tiền tệ bị vô hiệu hóa. Thứ hai là tỷ giá. VND mất giá so với USD, tình trạng 2 giá đã tồn tại từ cuối năm 2010 đến nay nên việc điều chỉnh tỷ giá là điều đương nhiên. Tôi cho rằng, việc điều chỉnh vừa rồi là hợp thức hóa một mặt bằng tỷ giá đã hình thành chứ không phải là phá giá hay đồng VN mất giá. Thứ ba là tình trạng nhập siêu. Mặc dù năm 2010 xuất khẩu đã tăng ngoạn mục, lên tới 26%; đặc biệt, ngân sách năm 2010 lại bội thu hơn 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, 2 yếu tố rất tích cực này vẫn không bù được tình trạng nhập siêu quá cao. Một khó khăn nữa về phía doanh nghiệp là vốn trung hạn luôn luôn thiếu vì nguồn tiết kiệm năm 2010 chỉ có ngắn hạn. Bên cạnh đó, tình hình thế giới lại không thuận lợi. Nguy cơ tăng giá dầu, giá lương thực thực phẩm... dẫn đến việc tiềm ẩn các cơn sốt giá... Kinh tế VN năm 2011 đi vào trong bối cảnh như vậy nên rất khó khăn. Đó là lý do, đầu năm Chính phủ đưa ra thông điệp tập trung ổn định vĩ mô.


TS Trần Du Lịch

Ông cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi là cần thiết và hợp lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá mạnh tay vừa rồi của NHNN sẽ khiến tâm lý găm giữ USD không còn nữa vì tỷ giá chính thức và ngoài thị trường tự do đã tiệm cận nhau. Nhưng thị trường những ngày qua đang phản ảnh điều ngược lại, tình trạng đầu cơ vẫn rất cao và giá USD ngoài thị trường tự do vẫn liên tục tăng, ông lý giải thế nào về việc này?

Nguyên nhân là do thị trường chưa tin tưởng khả năng kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nghĩa là lạm phát kỳ vọng còn rất lớn. Thị trường cũng chưa tin tưởng rằng VND giữ được giá nên tâm lý găm giữ vẫn tồn tại. Tôi lưu ý rằng, sự mất giá liên tục của VND trong vài năm gần đây, trong bối cảnh USD lại mất giá so trên thị trường thế giới và hầu hết đồng tiền các nền kinh tế mới nổi đều tăng giá so với USD... thể hiện nền kinh tế VN yếu kém về mặt cơ cấu. Vì vậy, tâm lý lo lắng vẫn luôn thường trực trong nhiều người.

Chúng ta đã có bước đi đúng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề...

Đúng nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong khi chúng ta mới chỉ làm có một việc là tăng tỷ giá. Tôi cho rằng, chúng ta cần làm "cả gói" các giải pháp thì mới có thể phá vỡ tâm lý lạm phát kỳ vọng.

Ông có thể nói rõ hơn về "gói" giải pháp cần làm hiện nay?

Đầu tiên, phải làm cho thị trường tin rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là ổn định và giữ được giá VND như mức hiện nay trong cả năm 2011. Muốn làm được điều này phải dựa vào năng lực dự trữ ngoại tệ, khả năng điều hành và tiềm lực can thiệp thị trường của Chính phủ. Thứ 2 là phải kiểm soát được giá cả. Phải trả lời được câu hỏi, bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại. Liên quan đến việc này, câu hỏi đặt ra trong tình hình hiện nay là, Chính phủ có nên đồng ý tăng giá các mặt hàng như điện, than, xăng dầu hay không? Theo tôi là phải làm. Phải thị trường hóa một số loại giá hiện nay đang bao cấp nhưng không thể làm trong một lần vì chênh lệch giữa giá thị trường và giá bao cấp hiện nay còn quá lớn. Tóm lại, phải tính một gói: điều chỉnh tỷ giá ở mức, tôi ví dụ 21.000 đồng/USD; cộng với giá điện tăng bao nhiêu, than tăng bao nhiêu, xăng dầu điều chỉnh cỡ nào, cộng thêm cả 1.5 tới điều chỉnh lương tối thiểu nữa... để hình thành một mặt bằng giá mới ngay trong quý 1 này. Như vậy, khoảng quý 2 trên thị trường VN có mặt bằng giá mới và giảm đi một số bao cấp.

Nghĩa là phải chấp nhận một mặt bằng giá mới và các chính sách điều hành phải được tính toán trên mặt bằng mới này, thưa ông?

 Đúng thế. Tôi ví dụ, chúng ta nói là năm nay mục tiêu tăng CPI là 7%, thì cái "gói" mặt bằng giá mới này "ngốn" hết bao nhiêu trong số đó. Thậm chí, ngay cả trường hợp gói này "nuốt" hết 7% nhưng cuối năm ổn định vẫn còn hơn cứ "nhích" mỗi tháng một chút. Theo tôi, Chính phủ phải có một bài toán định lượng cụ thể để tính những việc này. Cái gói này tác động bao nhiêu, đẩy chi phí mặt bằng kinh tế đến cỡ nào... Và trên cơ sở đó, chúng ta mới có những chính sách điều hành để giữ mặt bằng giá mới này.

Chống giá tăng bằng tăng giá, nghe có vẻ nghịch lý?

Nếu chúng ta tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ tin đồn thôi cũng khiến người ta sợ rồi. Thà là tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, DN có tính toán kế hoạch làm ăn của mình. Như vậy, mới có thể dẹp được lạm phát kỳ vọng hiện nay.

Đặt giả thiết là chúng ta sẽ có một mặt bằng giá mới vào đầu quý 2 tới. Theo ông, phải làm gì để giữ được mặt bằng giá mới này trong những quý sau đó ?

Phải làm đồng bộ nhiều giải pháp. Chính sách tài khóa phải cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Chính sách tiền tệ phải chặt, tăng tín dụng 2011 phải dưới 20%, cung tiền khoảng 15%. Đặc biệt, phải siết chặt chính sách đầu tư để không tạo tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Làm được như vậy, CPI sẽ thăng bằng. Nếu cuối năm có nhích một chút nhưng vẫn kiểm soát được. Trong điều kiện đó, chúng ta giảm LS, giảm chi phí cho DN và tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Nguyên Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.