Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính đến hết năm

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/08/2018 08:35 GMT+7

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, thị trường, doanh nghiệp; Chính phủ sẽ không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018 khi chưa có các tác động cụ thể.

Đó là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào chiều qua (1.8) khi kết luận 2 ngày làm việc của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (từ 31.7 - 1.8).
Không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ
Đánh giá về tình hình KT-XH, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: tăng trưởng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp; và xuất khẩu ròng. Dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt, gồm các rủi ro thương mại, tiền tệ; rủi ro dòng vốn... nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ… Cùng với đó, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020. “Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm đầy thử thách”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế”. Cụ thể, đối với vấn đề tỷ giá, Thủ tướng cho rằng cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm; không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.
Một vấn đề khác được Thủ tướng lưu ý là tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.
Đề xuất tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo
Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra vào cuối giờ chiều qua, một nội dung đáng chú ý khác được đặt ra là câu chuyện quản lý tiền ảo, trước hàng loạt vụ lừa đảo với số lượng lớn diễn ra gần đây. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, từ tháng 8.2017, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo; hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, theo quy định hiện hành, mặt hàng máy đào tiền ảo, tên gọi chính xác là máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin - hiện chưa có mã HS riêng để quản lý và vẫn đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động”. Mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ TT-TT, tuy nhiên về quản lý chung xuất nhập khẩu thì Bộ Công thương cũng có trách nhiệm nên theo ông Hải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ này đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo. “Tuy nhiên, theo luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất quy định trường hợp nào thì cấm. Hiện chúng tôi đã có đề xuất và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng sớm nhất”, ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp để xử lý tình trạng các doanh nghiệp không chịu niêm yết trên sàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ chủ quản, các địa phương phải rà soát, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì phải làm thủ tục niêm yết nên Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để làm nghiêm chỉ đạo này và sẽ tiếp tục công bố công khai các doanh nghiệp né niêm yết.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về việc kỷ luật hành chính với các tướng lĩnh công an vừa bị kỷ luật về Đảng.
Theo thượng tướng Bùi Văn Nam, 2 trường hợp của trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, và thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, từ ngày 24.7, Đảng ủy Bộ Công an và lãnh đạo Bộ đã họp kiểm điểm nghiêm túc, sau đó có đề xuất hình thức kỷ luật lên Bộ Chính trị. Đến ngày 31.7, Bộ Chính trị đã có quyết định chính thức về thi hành kỷ luật Đảng. Ông Nam cho biết, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã bàn và sẽ có hình thức xử lý phù hợp, sẽ hết sức nghiêm túc và nghiêm minh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, đối với trường hợp của Thứ trưởng Bùi Văn Thành, việc kỷ luật hành chính tương xứng với kỷ luật Đảng - là hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, thì ông Thành đương nhiên không còn được giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Với việc giáng cấp hàm, theo ông Dũng, đây là thẩm quyền của Chủ tịch nước, nên Thủ tướng sẽ có tờ trình để Chủ tịch nước quyết định. Tương tự, ông Nguyễn Việt Tân sẽ không còn được gọi là nguyên Thứ trưởng Bộ Công an và việc giáng quân hàm cấp tướng cũng phải trình Chủ tịch nước quyết định theo luật Công an nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, cho biết tại buổi họp báo, tỷ giá trung tâm vừa qua tăng 1,1% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, với biên độ tỷ giá trung tâm cho phép +-3%, diễn biến tăng tỷ giá hiện nay vẫn "nằm trong tầm kiểm soát". Trước diễn biến Trung Quốc đang giảm giá mạnh nhân dân tệ, bà Hồng nhìn nhận, đây là diễn biến đáng lưu ý trong điều hành tiền tệ, song trong điều hành tỷ giá NHNN không chỉ nhìn vào diễn biến một đồng tiền mà nhìn vào diễn biến nhiều đồng tiền khác nhau. "Ngày 1.8, tỷ giá liên ngân hàng là 2,5% so với cuối năm 2017, nằm trong tầm kiểm soát, phù hợp với diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới, khu vực", bà Hồng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.