Sáng 28.11, Quốc hội thảo luận về luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Đánh giá cao việc sửa luật trong thời điểm kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, luật có tác động rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trên gần 1 triệu doanh nghiệp. Về thuế suất, dự luật quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng.
Song, theo ông Thân, quy định này chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn. Do đó, ông đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, không áp thuế cứng 15%, "nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh".
Đặc biệt, về thuế với kinh doanh tiền số, theo đại biểu Thân, cần nghiên cứu cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế. "Hiện kinh doanh đồng tiền số ở Việt Nam đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Các nước xung quanh Việt Nam đã có quy định về vấn đề này. Không thể để Việt Nam là nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh đồng tiền số", ông Thân nêu.
Thu thuế với doanh nghiệp nước ngoài không có thường trú
Nhất trí với quy định thu thuế với doanh nghiệp nước ngoài không có thường trú tại Việt Nam, song nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của quy định này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích, nếu không thu thuế các đối tượng này sẽ dẫn tới thất thu thuế, không công bằng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài. Đại biểu đề nghị Chính phủ có nghị định quy định cụ thể làm thế nào để tính thuế, thu thuế.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Theo ông, cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM) băn khoăn về việc có doanh nghiệp nước ngoài chỉ sử dụng cơ sở "thường trú ảo", không có địa chỉ liên lạc thật trên thực tế, trong khi dự thảo luật lại chưa quy định.
Bên cạnh đó, theo bà Lệ, dự thảo luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20% - đây là mức cao so với các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Brunei.
Bà cho rằng, để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%, tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi sau giai đoạn hậu dịch Covid-19.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phó thủ tướng cũng khẳng định, thuế vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, hiện nay đang bội chi tương đối lớn. Trong khi đó, thời gian tới sẽ xây dựng các công trình hạ tầng trọng yếu, nên bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng lên.
"Xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Tuy nhiên, Việt Nam vừa trải qua đại dịch nên vẫn tiến hành giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. So với nhiều nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn", ông Phớc nhấn mạnh.
Theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỉ USD và năm 2023 là 120 tỉ USD.
Năm 2021 - 2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Mỹ.
Tài sản số được định nghĩa bao gồm tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính...
Trên thực tiễn, tài sản số, tiền ảo đã phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Hiện, khung khổ pháp lý quản lý loại hình này đang được dự thảo trong luật Công nghiệp công nghệ số.
Bình luận (0)