Không thu phí người lao động: Các trung tâm than khổ

21/10/2011 16:22 GMT+7

Theo quy định hiện hành, các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không được thu phí người lao động (NLĐ) khi GTVL. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trung tâm vẫn thu phí người tìm việc.

Trong vai người tìm việc, chúng tôi tìm đến Văn phòng GTVL khu chế xuất Tân Thuận thuộc Trung tâm GTVL các khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM. Sau khi “chấm” một vài công việc ghi trên bảng thông báo, chúng tôi hỏi anh nhân viên đang trực ở văn phòng rằng người tìm việc khi được tuyển dụng có phải đóng phí gì không? Anh này nói: “Có chứ! Mức phí ở đây là 20 ngàn đồng/người”.

 
Người lao động tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM - Ảnh: N.L

Cần "thắt lưng buộc bụng”

“Bộ LĐ-TB-XH đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào cuối năm nay. Ngoài ra, Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu soạn thảo dự luật Việc làm để trình Quốc hội vào năm 2013. Khi Bộ luật Lao động sửa đổi và Luật Việc làm được thông qua sẽ là cơ sở để hoàn thiện những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực việc làm. Trong khi chờ văn bản mới, nhiều trung tâm cần khắc phục bằng cách “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu hoặc lấy dạy nghề nuôi GTVL”.

Ông Ngô Xuân Liễu - Phó trưởng phòng Việc làm và Thị trường lao động (Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB-XH)

Đại diện một số trung tâm GTVL tại TP.HCM cho biết họ “buộc” phải thu phí NLĐ vì tình hình thực tế hoạt động khó khăn đòi hỏi phải như vậy. Trong đó, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên (thuộc Thành Đoàn TP.HCM) cũng thu phí 20 ngàn đồng. Theo đó, NLĐ được giới thiệu việc trong vòng 1 tháng. Ông Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc trung tâm, giải thích đây là khoản dùng để trang trải phần nào phí liên lạc điện thoại, làm phiếu đăng ký tìm việc, phiếu ứng viên liên lạc với doanh nghiệp, thư từ, lưu trữ nhập liệu… “Có khi một NLĐ phải giới thiệu đến mười mấy lần mới tìm được việc”, ông Sang cho biết.

Bộ phận GTVL thuộc Trung tâm dạy nghề tỉnh Đồng Nai thu 10 ngàn đồng/người đối với một số ứng viên. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc trung tâm này, lý giải: “Chỉ với những người cần tìm việc gấp, chúng tôi phải gọi điện rà soát lại những công ty tuyển dụng thì trung tâm mới thu phí. Đây gọi là phí liên lạc điện thoại”.

Dù có thu hoặc không thu phí GTVL của NLĐ thì phần lớn đại diện các trung tâm GTVL đều cho rằng Thông tư liên tịch số 95/2007-TTLT- BTC-BLĐ-TB-XH giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH có những điểm bất cập, lạc hậu, cần phải sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh - Phó giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên Hà Nội, cho biết: “Là trung tâm của nhà nước, mọi chi phí hoạt động, lương cán bộ, nhân viên của trung tâm đều được hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Chúng tôi coi hoạt động GTVL là công tác xã hội, do đó, không thể làm trái luật khi thu phí của NLĐ. Thế nhưng, với định mức biên chế thấp, các chi phí điện, nước, điện thoại, giấy tờ… đều tính theo cơ chế thị trường nên trung tâm gặp rất nhiều khó khăn”. Bà Ngọc Trinh kiến nghị: “Nếu không có mức thu, thì cần phải có mức hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách để đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các trung tâm có thể đủ sống”.

Bên cạnh đó, theo phản ảnh của nhiều trung tâm, dù Thông tư 95 nói trên quy định người sử dụng lao động phải trả cho trung tâm 20% tháng lương đầu tiên của NLĐ sau khi tuyển dụng. Thế nhưng, họ gặp khó khăn vì thông tư này chưa đề cập đến chế tài xử phạt đối với những cá nhân và đơn vị cố tình “quỵt” tiền môi giới của trung tâm.  

Như Lịch - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.