Khan hiếm toàn thế giới
Covid-19 lại tiếp tục gây khó khăn cho thị trường phân bón thế giới. Trong 3 tuần qua, nhiều nhà máy sản xuất amôniắc (NH3) tại châu Âu buộc phải tạm dừng hoạt động do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt.
Giá phân bón trong nước dự báo sẽ biến động theo giá thế giới trong thời gian tới |
ng.ng |
Bản tin Argus cho biết, Công ty Yara - Na Uy tuyên bố giảm công suất 40% trên toàn châu Âu còn Công ty BASF của Đức đã đóng cửa nhà máy NH3 tại Antewerp và Ludwigshafen vì với mức giá khí mới, giá thành sản xuất NH3 tại châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 USD/tấn trong khi giá nhập khẩu về châu Âu là 670 - 700 USD/tấn CFR (giá tiền hàng và cước phí). NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa nitơ như urê, DAP, NPK..., do vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá phân bón, đặc biệt là urê.
Bản tin của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế) đều cho biết, nguồn cung urê trên toàn thế giới ngày càng khan hiếm, giá tiếp tục tăng tại tất cả thị trường. Cuối tháng 9 thị trường urê thế giới đã chứng kiến nhiều kỷ lục được thiết lập tại các khu vực sau khi duy trì đà tăng liên tiếp trong 3 tuần qua.
Tại Mỹ, giá đã tăng vượt mức 650 USD/tấn theo giá FOB, thiết lập một mức giá kỷ lục mới trong vòng 10 năm trở lại đây. Tại Ai Cập, sau khi tăng 75 USD/tấn tuần trước, tuần này giá urê tiếp tục tăng thêm 80 USD/tấn và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn giá FOB cho hàng giao tháng 12.2021. Giá urê tăng mạnh trong trạng thái nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Cùng với đó, nguồn cung còn bị đe dọa khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 27.9 vừa qua. Giá tăng mạnh, nguồn cung hạn chế, nhu cầu đang tăng trở lại tại tất cả các thị trường do chuẩn bị bước vào vụ sản xuất, điển hình là các đấu thầu tại Ấn độ, Tây Phi… sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ thị trường urê trong thời gian tới.
Kỷ lục giá trong 1 thập kỷ
Ngày 1.10 vừa qua, Công ty RCF Ấn Độ đã mở thầu mua 1,5 triệu tấn urê, các nhà cung cấp phải giao hàng trong tháng 10 và 11 năm nay. Kết quả mở thầu cho thấy Công ty Amber có giá chào thấp nhất là 665,5 USD/tấn CFR nhưng chỉ cung cấp được 65.000 tấn. Số lượng hàng còn lại có mức giá chào dao động trong khoảng 720 - 790 USD/tấn CFR. Như vậy, mức giá mới này đã lập kỷ lục trong 10 năm trở lại đây còn so với gói thầu mua urê trước đó vào cuối tháng 7.2021, đơn giá đã tăng thêm 150 USD/tấn. Nếu giá nhập khẩu tại Ấn Độ bình quân 730 USD/tấn CFR thì giá thành nhập khẩu sau khi đóng bao 50 kg tại cảng tương đương 17.000 đồng/kg.
Bản tin dự báo thị trường Đông Nam Á sẽ bị “khô hạn” urê, đến nay chỉ có 3 quốc gia chủ động được nguồn cung urê cho nội địa là Việt Nam, Indonesia, Malaysia trong khi các quốc gia còn lại phải nhập khẩu 100% urê vì không có nhà máy sản xuất, trong đó 2 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất là Thái Lan nhập khẩu 2,5 triệu tấn và Philippines nhập 1 triệu tấn/năm.
Tuy chủ động được nguồn cung urê, nhưng chi phí đầu vào tăng mạnh (giá dầu, giá khí, giãn cách ngừa Covid-19 thời gian dài…) khiến nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón trong nước sẽ biến động trong thời gian tới.
Ngày 4.10, giá phân bón trong nước tiếp tục duy trì mức ổn định từ đầu tháng đến nay. Theo đó, phân urê hạt đục Cà Mau, Phú Mỹ, Ninh Bình giữ mức 12.500 đồng/kg; phân kali Israel các loại tại thị trường TP.HCM từ 12.000 - 13.500 đồng/kg, thấp hơn thị trường Hà Nội 500 đồng/kg, từ 12.500 - 14.000 đồng/kg; phân DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai 16.000 đồng/kg, DAP Korea đen 19.500; NPK Nga từ 11.200 - 13.500 đồng/kg.
Bình luận (0)