Sáng qua, Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn cấp cao VN đã rời thủ đô Nhật Bản, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Osaka. Tại đây, Chủ tịch nước chủ trì cuộc tọa đàm với Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai (Osaka) để trực tiếp giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của các nhà đầu tư Nhật Bản.
|
Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Osaka, ông Shigetaka Sato kiến nghị Chính phủ VN hoàn thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, trong đó có DN của Nhật Bản. “Chúng tôi cũng mong muốn có thêm nhiều chuyến bay giữa VN và Osaka cũng như một số vùng của Nhật Bản để tăng cường sự giao lưu, trao đổi, làm ăn giữa hai bên, trong đó phục vụ cả nhu cầu du lịch”, ông Shigetaka Sato nói.
Ông Toru Yoshioka, Giám đốc điều hành của Công ty đóng tàu Hitachi Zosen, cho biết công ty đang có một số dự án tại Khu công nghiệp Long Đức của tỉnh Đồng Nai như xây dựng nhà máy thép, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý nước thải, cấp thoát nước công nghiệp… vay vốn của JICA theo mô hình PPP. Ông mong muốn luật về PPP tại VN sớm được ban hành. Còn ông Takashi Tsuji, Chủ tịch Công ty vận tải Konoike, đề nghị VN có chính sách ổn định về môi trường đầu tư, minh bạch các thủ tục hành chính. Khi áp dụng các luật hoặc các quy định chính sách mới cần có thời gian để cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật nói riêng, chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với sự thay đổi chính sách mới.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã lần lượt giải đáp kiến nghị của các hiệp hội DN, nhà đầu tư Nhật Bản. Riêng về chính sách PPP, Bộ trưởng cho biết: “Dự kiến đến hết quý 2/2014, nghị định mới về PPP sẽ được ban hành trên cơ sở khảo sát rất nhiều ý kiến nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chúng tôi đã tham khảo rất nhiều ý kiến của DN Nhật Bản”.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ thêm thông tin quan trọng với các nhà đầu tư, đó là VN đang đồng loạt đàm phán với 55 quốc gia trên thế giới để mở cửa thị trường. “Khi các bạn đầu tư vào VN không có nghĩa các bạn chỉ có thị trường tiêu thụ trong nước chúng tôi mà cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở những nơi VN đã và đang đàm phán là rất lớn”, ông gợi mở.
Chủ tịch nước đề nghị thường xuyên có những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với đại diện lãnh đạo nhà nước VN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Ông cũng tái khẳng định VN sẵn sàng tạo thuận lợi về thủ tục, cơ chế, chính sách và ưu đãi đầu tư cho các DN của hai nước tăng cường đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sáng qua, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đã tới Nhà khách quốc gia để chào từ biệt Chủ tịch nước và phu nhân, trước khi đoàn VN rời Tokyo đến Osaka. Đáp lại tình cảm nồng hậu này, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động và vinh hạnh được Nhà vua và Hoàng hậu luôn dành sự quan tâm sâu sắc và thân tình trong suốt thời gian ông cùng phu nhân và đoàn cấp cao thăm Nhật. Trước khi rời đi Osaka, Chủ tịch nước đã tới thăm Đại sứ quán VN tại Nhật và trò chuyện thân mật với bà con kiều bào dự cuộc gặp mặt này. Sau diễn đàn DN chiều 19.3, Chủ tịch nước còn gặp gỡ các tổ chức hữu nghị VN - Nhật Bản. 22 giờ địa phương ngày 19.3, Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn cấp cao VN rời Osaka về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. |
Tập trung triển khai hệ thống giao thông Bắc - Nam Trả lời phỏng vấn báo giới hôm qua, trước khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn cấp cao VN tới Nhật Bản, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong thời gian tới, hai nước sẽ ưu tiên tập trung triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận như: đường bộ cao tốc bắc - nam, đường sắt bắc - nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cảng Lạch Huyện... Ngoài ra, VN rất coi trọng hợp tác với Nhật Bản trong triển khai chiến lược công nghiệp hóa. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thành và đi vào triển khai kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác VN - Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời, đang trao đổi về ý tưởng hợp tác xây dựng hai khu công nghiệp chuyên sâu về các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử. Về thương mại, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng kim ngạch thương mại song phương thông qua các biện pháp như: triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA), tạo điều kiện cho hàng hóa VN, trong đó có hàng nông hải sản, tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Nhật Bản. Hai bên phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hiện nay (đang ở mức hơn 25 tỉ USD) trước năm 2020. |
Bảo Cầm
Bình luận (0)