Khuyến khích sinh tại những vùng có mức sinh thấp

15/12/2021 11:15 GMT+7

21 tỉnhthành có mức sinh thấp và chỉ 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế. Việt Nam đã có các chính sách để nâng mức sinh tại các địa phương.

21 tỉnh thành mức sinh thấp

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, 21 tỉnh thành có mức sinh thấp và chỉ 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế. Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Tây nguyên là các vùng có mức sinh cao và cao hơn mức sinh thay thế. Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Khuyến khích sinh tại các vùng có mức sinh thấp

Ngọc Thắng

21 tỉnh thành thuộc vùng có mức sinh thấp, đó là các tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang (phụ lục của "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 28.4.2020).

21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất nước hiện đều thuộc vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam đã sớm nhận thức những thách thức về sự khác biệt mức sinh tại các vùng, trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 15.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định các kịch bản ứng phó thông qua các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu 1 đến năm 2030 là "Duy trì vững chắc, mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các BPTT hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Các mục tiêu và giải pháp này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 137 NQ-CP của chính phủ ngày 30.12.2017 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 1679/QĐ-TTg ngày 22.11.2019 khẳng định các mục tiêu trên với hệ thống 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

3 mục tiêu về mức sinh

Ngày 28.4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Đây là bước cụ thể hóa quan trọng trong việc thực hiện điều chỉnh mức sinh.

Trong quyết định này đã xác định 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:

Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con).

Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 con đến 2,2 con).

Đến năm 2030, Việt Nam ước đạt quy mô dân số 104 triệu người

Liên Châu

TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thông tin và dữ liệu dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ, cho rằng, qua phân tích cho thấy những nguyên nhân tác động chính đến mức sinh là do phong tục tập quán, lối sống và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở hai vùng này. Do vậy trước mắt cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu để cung cấp những bằng chứng khoa học giúp cho việc hoạch định kế hoạch, đề xuất các giải pháp được chính xác.

Ngoài ra cũng rất cần xây dựng các giải pháp điều chỉnh mức sinh theo đặc thù riêng của từng tỉnh/thành phố trong số 21 tỉnh thành này. Ví dụ như TP.HCM (mức sinh 1,52 con năm 2020 thấp nhất) và tỉnh Kiên Giang (1,98 con năm 2020 cao nhất), tuy cùng ở vùng có mức sinh thấp nhưng cấp độ là hoàn toàn khác nhau, cần có những chính sách, giải pháp riêng theo đặc thù của từng tỉnh/thành phố.

Để tăng mức sinh ở những vùng có mức sinh thấp chúng ta cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ và giải pháp đã được hoạch định trong "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đã được Thủ tướng phê duyệt.

Mức sinh tác động và liên quan chặt chẽ tốc độ già hóa dân số: tỷ số phụ thuộc trẻ em, tỷ số phụ thuộc người già và tỷ số phụ thuộc chung. Điều chỉnh mức sinh hợp lý thì tỷ số phụ thuộc trẻ sẽ ổn định và giảm nhưng không quá nhanh, điều này dẫn đến tỷ số phụ thuộc người già tăng lên nhưng cũng không tăng quá nhanh và tỷ số phụ thuộc chung cũng không giảm quá nhanh.

Việt Nam đã chuẩn bị các kịch bản từ sớm và thực hiện từng bước chắc chắn để điều chỉnh mức sinh, không để mức sinh tăng lên quá cao hoặc quá thấp. Những kịch bản và giải pháp đã được hoạch định cụ thể cho toàn quốc, từng vùng và từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên cho hai nhóm đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.