Khuyến khích trẻ tự xử lý tình huống

06/05/2016 10:30 GMT+7

Khi có một người bấm chuông gọi cửa để sửa máy lạnh, con phải làm sao? Nếu có người nói rằng ba mẹ nhờ họ đón con về nhà, con có đi theo không?...

Trước những tình huống như vậy, trẻ em tham gia CLB Ba Lô Con Cóc (Nhà thiếu nhi TP.HCM) được khuyến khích đóng vai người trong cuộc để tự tìm câu trả lời.
Tình huống thứ 1: “Buổi trưa đang trên đường về nhà, em chợt thấy một người đàn ông theo dõi mình. Khi em quay mặt lại kiểm tra thì người đàn ông đó cũng quay mặt đi. Em phải làm sao?”. Một học sinh nói: “Em sẽ cầu cứu bằng cách gọi cho ba mẹ”. Em khác lên tiếng: “Em sẽ chạy đến một chị quen rồi nói cho chị ấy về việc này”...
Không đi theo người khác khi chưa có ý kiến ba mẹ
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân lưu ý trẻ em: Tuyệt đối không đi theo người khác khi chưa có ý kiến trực tiếp của ba mẹ; nhớ số điện thoại của ba mẹ hoặc số 113 của công an; vui chơi ở những nơi an toàn; nếu chẳng may bị bắt cóc, bị người lạ khống chế thì cần bình tĩnh tìm cách xử lý (có thể hô lên “cháy nhà” để thu hút sự chú ý của mọi người...); tuyệt đối không nhận quà bánh của người lạ.

Sau khi nghe các phát biểu, người hướng dẫn gợi ý: “Các em có thể chạy đến chỗ chú công an, dân phòng hay tiệm thuốc tây, nhà dân mượn điện thoại gọi cho ba mẹ. Nếu gần trường học thì chạy vào trường”.
Tình huống thứ 2 được đặt ra là: “Em Nam ở nhà một mình. Có một chú bấm chuông gọi cửa và nói là mẹ con gọi chú đến để sửa máy lạnh. Nếu là Nam, em sẽ làm như thế nào?”. Nguyễn Sâm (học sinh lớp 2) trình bày: “Em nói với chú đó là nhà con không có máy lạnh”. Một em gái nêu ý kiến: “Máy lạnh nhà con không bị hư”. Một số em khác lên tiếng: “Mẹ con không có dặn gì con hết’’, “Không có mẹ con ở nhà, hôm sau chú quay lại nha’’...
Tình huống thứ 3: “Nếu có một người đàn ông ăn mặc lịch sự tới trước cổng trường và nói chú là người quen của ba cháu, mời cháu lên xe để chú chở về nhà. Trong trường hợp này em sẽ làm gì?”. Viên An (lớp 1, Trường tiểu học Trương Quyền, Q.3) khẳng định: “Con sẽ không đi theo người lạ đâu”. Lý Vân Linh (học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình) bày tỏ: “Em sẽ chạy thẳng vô trường và nói cho chú bảo vệ biết”. Một số bạn khác cùng suy nghĩ: “Con sẽ gọi điện cho ba”...
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, người đặt ra những tình huống nói trên cho học sinh, chia sẻ: “Với những tình huống các em không được biết trước như vậy, mình sẽ nắm được là ở trường, trẻ đã được dạy cái gì và ở nhà cha mẹ đã hướng dẫn thế nào. Trong ba nhóm đóng vai, có những em xử lý rất tốt nhưng cũng có những em nói chung chung, thậm chí không biết nên làm gì. Điều đó cho thấy nhà trường hay gia đình chưa từng đặt đứa trẻ vào những tình huống giả định tương tự để các em xử lý”.
Theo thạc sĩ Huân, khi cho một đứa trẻ đóng vai giả định hoặc chơi trò nào đó, điều quan trọng là phải hướng vào nhận thức của trẻ chứ không phải đơn thuần là chơi cho vui hay nhằm đạt được mục đích truyền tải nội dung bài học của giảng viên. Từ đó, từng bước hình thành những thói quen và cách ứng xử đúng cho trẻ đồng thời giúp trẻ phát huy được nội lực, tiềm năng của mình cũng như điều chỉnh những kỹ năng chưa phù hợp.
Trước đó, trong chương trình “Một ngày để sống” diễn ra tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, thạc sĩ Nguyễn Diệu Thảo Nguyên, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, đã sử dụng những đoạn phim minh họa dễ hiểu, dễ nhớ khi đề cập đến các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Nhờ vậy, không ít học sinh cảm thấy hứng thú khi tham gia những trò chơi có thưởng bằng việc xử lý những tình huống liên quan đến kỹ năng, kiến thức này.
Thích tự thực hành trước
Tụi con thích tự thực hành, tham gia giải quyết tình huống trước rồi thầy cô giáo hay cha mẹ bổ sung, chỉ dẫn sau. Có như vậy, tụi con mới biết khả năng của mình làm được tới đâu và kinh nghiệm xử lý tình huống như thế nào. Theo con, đôi khi người lớn cũng cần lắng nghe suy nghĩ của trẻ em. (Thanh Khương, học sinh lớp 7, Q.3, TP.HCM)
Ít khi khơi gợi cho con tự giải quyết tình huống
Trên lớp, thỉnh thoảng chúng tôi đưa ra một số bài tập về phòng chống bắt cóc, chống bạo lực học đường... Những lúc đó, tôi thường mời học sinh giỏi phát biểu trước, sau đó mới đến các em học yếu hơn và rụt rè. Còn ở nhà, tôi chỉ dặn con mình không được đi theo người lạ hoặc không nên làm một số chuyện khác, chứ ít khi nào khơi gợi cho con tự giải quyết tình huống. (Một giáo viên tiểu học, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận)
Vô cùng cần thiết !
Chúng tôi có hai con, một cháu lớp 3 và một cháu lớp 5. Từ lúc các cháu lên 3 tuổi là vợ chồng tôi đã tập cho hai bé xử lý tình huống từ nhà đến trường và cả cách phải xử lý thế nào nếu bị người lạ cho bánh kẹo, dẫn đi... Có khi chúng tôi còn nhờ một người quen đến nhà bấm cửa để cho con tự xử lý tình huống. Và lúc nào các bé cũng nhớ lời chúng tôi dặn là nói ba mẹ con không có nhà, khi khác chú đến đi. Chú đó có dụ cách gì các bé cũng không mở cửa.
Còn ở trên trường cũng vậy, vì ba mẹ dặn quá kỹ nên hai con rất cẩn thận. Nếu hôm nào người nhà đón trễ là con chỉ ở trong lớp hay lấy điện thoại nhà trường gọi về hỏi ba mẹ tới đâu rồi. Hai cháu không ra khỏi cổng trường bao giờ. Dù vậy, ba mẹ vẫn đặt tình huống để con nếu có bị người lạ dẫn đi thì nhất định phải la lên hay khóc thét lên để tạo sự chú ý cho người khác. Chúng tôi cho rằng, trong tình hình xã hội khá phức tạp như bây giờ thì việc cho con tự xử lý tình huống hay dạy con phải làm thế nào khi ở nhà một mình là vô cùng cần thiết. (Võ Kiều Hương, đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.