Cuối năm ngoái, khi thầy trò HLV Park Hang-seo giành HC Vàng SEA Games 30, cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Kiatisak đã nhận định: “Đây là phần thưởng xứng đáng cho việc đầu tư bài bản đào tạo bóng đá trẻ. Phải chúc mừng Việt Nam. Việt Nam đã thành công sớm hơn dự kiến của tôi vào năm 2013 khi tôi còn dẫn dắt tuyển Thái Lan.
Hồi đó tôi nghĩa rằng Việt Nam không thể đánh bại Thái Lan trong 10 năm tới, nhưng giờ mới chỉ 6 - 7 năm họ đã giành được chức vô địch AFF Cup và SEA Games. Điều quan trọng nhất là lứa cầu thủ này của Việt Nam hiện chủ yếu mới 22 - 23 tuổi, đây chính là mấu chốt cho những thành công tiếp theo. Và các nước khác, trong đó có Thái Lan phải hết sức dè chừng”.
|
Mới đây, Zico Thái Lan một lần nữa lại đưa ra sự so sánh về hai nền bóng đá Thái – Việt với sự lo lắng nhất định. Kiatiak đặt ra câu hỏi: “Bóng đá Thái Lan cần có những hành động gì để tiến gần hơn tới World Cup? Trước khi đạt được mục đích to lớn đó, chúng ta chắc chắn phải là những người chiến thắng ở Đông Nam Á. Chiến thắng đội tuyển Việt Nam là điều mà chúng ta cần phải làm được nhưng như thế chưa đủ. Thái Lan còn phải đánh bại bóng đá Việt Nam ở các cấp độ trẻ. Điều đó đồng nghĩa nếu gặp lại họ trong tương lai, chúng ta vẫn có thể chiến thắng họ và từng bước hướng mục tiêu ra sân chơi châu Á. Còn nếu ở Đông Nam Á chúng ta vẫn thua, việc vươn tầm châu lục là điều không hề dễ dàng".
|
Không phải “bỗng dưng” mà Kiatisak lại bất an như vậy? Khoảng 24 năm về trước, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến một Thái Lan vô đối ở các giải đấu tầm khu vực. AFF Cup từ năm 1996 đến năm 2002, Thái Lan vô địch 3/4 lần. Tại SEA Games, từ năm 1993 đến 2007, với 8 kỳ đại hội, HC Vàng đều chỉ thuộc về duy nhất Thái Lan.
Quá mạnh ở Đông Nam Á, những nhà hoạch địch bóng đá Thái Lan hướng tới một mục tiêu cao hơn. Đầu tiên là áp sát top đầu châu Á và sau đó là tham dự vòng chung kết World Cup. HLV Peter Reid, Bryan Robson, Winfried Schafer… những cái tên nổi danh ở 2 nền bóng đá Anh và Đức được Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) gửi gắm nhiệm vụ đưa Thái Lan vươn lên một tầm cao mới. Nhưng tất cả mà họ làm được gói gọn trong 2 chữ: Thất bại.
Thái Lan chẳng những không thể tạo ra một tiếng vang châu Á nào cả. Ngược lại, họ thua Singapore, Việt Nam ở 2 trận chung kết AFF Cup liên tiếp tại các năm 2007, 2008. Năm 2010, Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng. 2 năm sau, họ lại thua Sinagpore một lần nữa ở trận chung kết. Vị thế số 1 Đông Nam Á của Thái Lan không còn được giữ vững trong tận 6 năm. Những HLV ngoại nổi danh đến rồi đi một cách ê chề. FAT buộc phải đi đến quyết định sử dụng HLV nội mà không ai khác chính là Kiatisak Senamuang được chọn mặt gửi vàng.
|
Kiatisak đưa U.23 Thái Lan vào top 4 ASIAD 2014, cùng tuyển Thái giành chức vô địch AFF Cup 2014 rồi bảo vệ thành công danh hiệu ấy sau đó 2 năm. Ở vòng loại World Cup, đội Thái Lan do Kiatisak dẫn dắt đã đi đến tận vòng 12 đội châu Á mạnh nhất.
Vị thế số 1 của Thái Lan ở Đông Nam Á với công lao to lớn của Kiatisak đã được thiết lập trở lại trong giai đoạn ấy. Nhưng ngay sau đó Kiatisak bị sa thải chỉ vì không thể giúp Thái Lan có thể “ngồi chung mâm” với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Iran. Milovan Rajevac - người đưa đội tuyển Ghana vào tứ kết World Cup 2010 được chọn lựa. Thế nhưng, “ác mộng” lại tái lập với Thái Lan. Họ chẳng những vô hại ở châu lục mà còn đang bị Việt Nam, Malaysia cho "ngửi khói" ở tầm Đông Nam Á.
|
Đến bây giờ, Thái Lan vẫn muốn thoát khỏi rào chắn barie mang tên Đông Nam Á để có thể làm được gì đó ở châu lục. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, dù Thai League phát triển ở một tầm cao, dù một số cầu thủ Thái Lan đang chơi nổi bật tại Nhật Bản nhưng Thái Lan vẫn cần phải xác định mục tiêu thực tế ở khu vực trước khi nghĩ đến một cái gì xa hơn.
Hiện tại, FAT đang sử dụng HLV người Nhật Akira Nishino nhưng ông này đã không thể giúp U.22 Thái Lan vượt qua vòng bảng SEA Games 30. Còn tại vòng loại World Cup 2022, Thái Lan đang đứng thứ 3 bảng G, sau Việt Nam và Malaysia.
Vì thế, lời cảnh tỉnh của Kiatisak vào bối cảnh này, không phải không có lý!
Bình luận (0)