Tổng tuyển cử có thể được coi như màn tiếp theo của vở kịch chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông. Cuối năm nay, Ai Cập cũng tiến hành tổng tuyển cử lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mubarak bị phế truất, và nếu như Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở Libya thực hiện đúng tuyên bố thì tám tháng nữa cũng sẽ có tổng tuyển cử lần đầu tiên ở đất nước này sau khi ông Gaddafi bị giết. Có thể thấy càng trì hoãn tiến hành tổng tuyển cử thì các phe phái thắng thế trong cuộc chính biến và chiến tranh càng mất vị thế và sự hậu thuẫn của các đối tác bên ngoài đã giúp họ thắng thế.
Ở nơi khác thì không nói, chứ còn ở Trung Đông và Bắc Phi, màn thứ hai của vở kịch chính biến nhiều khả năng là sự thắng thế của các lực lượng Hồi giáo. Ennahda ở Tunisia chỉ là sự khởi đầu và còn được coi là ôn hòa hơn cả trong số tất cả các đảng phái chính trị theo quan điểm đạo Hồi ở khu vực này. Vậy mà ngay chính trên đất nước ấy hiện đã có lo ngại về khả năng sau khi cầm quyền thì đảng này từ ôn hòa sẽ nhanh chóng trở thành một đảng Hồi giáo chính thống.
Màn hai của vở kịch chính biến bởi thế nhiều khả năng sẽ diễn biến theo hướng về lại cội gốc lịch sử, văn hóa và sắc tộc của các cộng đồng dân cư và quốc gia ở khu vực này, chứ không định hướng vào những hệ thống giá trị ở bên ngoài. Điều đó và sự thắng thế trên không nằm trong trù tính chiến lược của Mỹ và phương Tây khi đổ công của và đầu tư chính trị vào làn sóng chính biến này.
La Phù
Bình luận (0)