Kịch tính đấu giá tranh mua giường hồi sức tặng bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/08/2021 12:28 GMT+7

Hơn 90 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng: Lưu Công Nhân, Nguyễn Quốc Thái, Lê Triều Điển, Thành Chương, Phạm An Hải, Đinh Quân, Bùi Tiến Tuấn… được đấu giá kịch tính để mua giường hồi sức tặng bệnh viện dã chiến tại Sài Gòn.

Tại 3 phiên đấu giá mua giường hồi sức cho Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, Q.5, TP.HCM) diễn ra từ ngày 20 đến 23.8 với sự đóng góp hơn 90 bức tranh của hơn 80 họa sĩ tên tuổi, nhà sưu tập được gửi tặng, đặc biệt gia đình Ngô Bình Nhi tặng 9 bức, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí tặng 5 bức, nhà sưu tập Phạm Văn Đông tặng 3 bức, Minh Ngô tặng 2 bức....

Làng quê của Nguyễn Quốc Thái

Tác phẩm tham dự chương trình thiện nguyện của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng

"Siêu phẩm" trắng đen của Nguyễn Ngọc Vinh

Ảnh: Lý Đợi cung cấp

Nói về những tấm lòng vàng của các mạnh thường quân dành cho buổi đấu giá, đại diện Ban tổ chức, nhà nghiên cứu và sưu tập Lý Đợi cho biết: "Hơn 10 năm qua - thông qua những phiên bán tranh vì thiện nguyện, rất nhiều họa sĩ nhiệt tình ủng hộ, trong đó tôi biết rõ - gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943-2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi thường tặng khá nhiều tranh. Điểm đáng trân quý của gia đình là khá vô tư và bao dung trong chuyện thiện nguyện, thường để nơi tùy nghi xử lý, nhiều khi bán với giá thấp đến xót xa. Đó là điều chúng tôi phải quyết tâm khắc phục”.

Hơn 1 tỉ đồng nhận về từ tiền đấu giá tranh

Cũng theo ông Lý Đợi: “Tất nhiên, không phải cho nhiều tranh thì đặc biệt hơn cho ít tranh, vì đây là chuyện tự nguyện, ít hoặc nhiều gì cũng là tấm lòng đẹp. Hơn 90 bức tranh của hơn 80 họa sĩ và nhà sưu tập gửi tặng đều là những tấm lòng đẹp như vậy. Sở dĩ phải tách riêng từng phiên, là vì để mọi người có thể xem một góc nhỏ tranh của từng đợt, để những người thường đi xin tranh thiện nguyện như chúng tôi có dịp cảm ơn nhiều người và câu chuyện của mỗi lần đấu giá sẽ khác nhau, thu hút người tham gia".

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Chí Thanh

Ảnh: Lý Đợi cung cấp

Trải qua 3 phiên đấu giá, nhiều kịch tính đã xảy ra, điều ngạc nhiên là trong 82 bức tranh, ảnh và gốm lên sàn đấu, chỉ có 6 bức không bán được. Đây là một tỷ lệ nằm ngoài mọi mơ ước, chứ chưa nói là dự tính của Ban tổ chức. "Nếu không vì yêu thương người dân TP.HCM trong cơn dịch bệnh hiểm nghèo, chắc đã không được ủng hộ nhiều như thế. Nhiều người mua tranh cũng đang là cư dân của TP.HCM, họ nhắn tin nói rằng phiên đấu giá là một nhịp cầu để họ chia sẻ thiết thực, trực tiếp", ông Lý Đợi nói.
Đến trưa 23.8, trong 6 bức chưa bán được, đã có 3 bức được bán tiếp ở bên ngoài phiên, như vậy chỉ còn lại 3 bức. Riêng phiên đặc biệt vinh danh nghĩa cử hào phóng của gia đình gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943-2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi, có 12 bức, thì đến trưa 23.8 đã bán được 10 bức. Ban tổ chức còn áp dụng luật “bán ngay/mua ngay”, nên tranh càng bán nhanh hơn, xem như tin mừng.
Nhiều bức tranh trở thành tiêu điểm, vui nhất là có lúc 4 - 5 người cùng đấu, có 14 bức được mua trước phiên đấu, khoảng 30 bức được mua ngay khi vừa xuất hiện ở phiên đấu.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất và tác phẩm ưng ý của anh

Họa sĩ Hồ Hưng nhiệt tình tham gia chương trình với đứa con tinh thần tuyệt đẹp

Ảnh: Lý Đợi cung cấp

Tạm tính tổng số tiền nhận về khoảng 1,1 tỉ đồng. Ban tổ chức dự định dùng để mua 20 giường hồi sức (380 triệu đồng), 4 máy thở (720 triệu đồng), 10 xe lăn (35,5 triệu đồng). Tất cả đã và đang đến Bệnh viện dã chiến số 5. Gặt hái được kết quả này, cả nhà nghiên cứu Lý Đợi và cộng sự Lê Quang Đông Quân vô cùng hạnh phúc.
“Những điều ấm áp của chương trình đấu giá tranh mua giường hồi sức tặng bệnh viện dã chiến tại Sài Gòn - TP.HCM là đa số họa sĩ, nhà sưu tập đã rất hào phóng, vô tư để cho chúng tôi phá giá và mọi người cùng lao vào làm. Đặc biệt như 'thủ quỹ' Lê Quang Đông Quân, dù vất vả cực nhọc nhưng trên môi lúc nào cùng nở nụ cười tươi rói. Nếu không vì yêu thương đồng bào, thì làm sao chúng tôi có được sự tự tung tự tác này. Một điều nữa, là dù ủng hộ thiện nguyện, nhưng đa số cũng chọn gửi những bức tranh chất lượng, chứ không phải gửi cho có. Giống như mấy câu thơ trong Bích câu kỳ ngộ: “Càng nhìn nét bút càng ưa/ Chàng Vương dẫu mạc bao giờ cho nên/ Mua về treo chốn thư hiên/ Như ai đem ngọc giải phiền lại cho”, nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.