Những cuộc đổ xô đi tìm kho báu dưới đáy đại dương có thể phải chấm dứt trước quy định mới của hải quân Mỹ trong vùng biển nước này.
|
Chỉ cần một lần lặn xuống xác tàu thời thế kỷ 19 mới đây, hãng Odyssey Marine Exploration cũng xoay xở trục vớt được vàng thỏi và đồng tiền trị giá hơn 1 triệu USD ở đáy Đại Tây Dương. Ngay sau khi tin tức đáng mừng trên được công bố, cổ phiếu của công ty thám hiểm này lập tức tăng cao, đồng thời kích thích các thợ lặn cũng như giới đầu tư tin rằng vẫn còn nhiều kho báu trong lòng biển chờ họ khám phá. Tuy nhiên, thực tế lại không đầy hứa hẹn như vậy. Theo USA Today, hải quân Mỹ vừa đề xuất một quy định chưa được phổ biến đối với những người ngoài ngành, với nội dung có thể cản trở những người truy tìm kho báu và giới khảo cổ học chạm vào một số kho báu lớn nhất vẫn còn nằm đâu đó trong lòng biển. Theo đó, hải quân Mỹ được quyền quyết định ai/công ty nào sẽ được trục vớt tàu quân sự không kể quốc tịch bị chôn vùi trong lòng biển thuộc chủ quyền nước này.
Do các tàu từng phục vụ trong quân đội bao gồm con tàu thời Thế chiến thứ 2 mang theo cả tấn bạc, đến thuyền buồm Tây Ban Nha chở đầy vàng bị đắm khi xuất phát từ Tân thế giới (tức châu Mỹ), quy định trên đang khiến những người đi tìm kho báu nổi giận. Hàng chục người đã tập trung tại Viện Công nghệ Florida (Mỹ) để phản đối việc thông qua quy định trên. Còn hãng Odyssey đã vẽ nên viễn cảnh ảm đạm của ngành nghiên cứu khảo cổ biển một khi quy định mới được chính thức thông qua. “Việc cản trở các công ty khảo cổ thương mại tham gia vào các dự án khai quật xác tàu đắm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát hiện và nghiên cứu lịch sử biển của Mỹ”, theo thư kiến nghị của Giám đốc quan hệ đối ngoại Aladar Nesser.
Hải quân Mỹ đã lên sẵn một danh sách dài các lý do cần thiết phải có sự điều phối hoạt động tìm kiếm và trục vớt xác tàu, bao gồm bảo tồn khu di tích, tôn trọng những nấm mồ trong lòng biển và bảo vệ bí mật quốc gia. Hành động mở rộng phạm vi bao trùm các xác tàu đắm nước ngoài trong lãnh hải Mỹ có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn để đạt được thỏa thuận với các nước khác nhằm bảo vệ các tàu chiến của Mỹ thất lạc ở những vùng biển trên thế giới. Trong khi những quy định trên còn khá mới, trên thực tế đây chỉ là hành động thu thập những luật lệ đã được áp dụng từ năm 2004, theo Robert Neyland, người đứng đầu Viện Khảo cổ biển tại Tổng bộ Di sản và Lịch sử hàng hải có trụ sở tại Washington. Trong lúc những nhà truy tìm kho báu rầu rĩ, ít nhất có một bên hoan nghênh quy định mới. Đó là những nhà khảo cổ học luôn lo ngại rằng hành vi khai thác tự do và không được kiểm soát có thể phá hoại những dấu ấn lịch sử trên thềm đại dương, chẳng hạn như trường hợp của con tàu Santa Maria đang gây tranh cãi.
Mới đây, các chuyên gia khảo cổ tuyên bố nhiều khả năng đã tìm được chiếc tàu nổi tiếng Santa Maria của Christopher Columbus ngoài khơi bờ biển Haiti. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, nhà thám hiểm biển sâu Barry Clifford cho hay những đồ vật trên tàu đã bị trục vớt trước đó, bao gồm pháo thần công. Do vậy, đừng trông đợi có thể tìm được bất kỳ kho báu nào đáng giá trên con tàu trên. Được biết, chiếc Santa Maria đã mắc cạn ngoài bờ biển Haiti vào ngày 24.12.1492. Nếu đây đích thực là con tàu lớn nhất trong bộ ba tàu viễn chinh của Columbus, nó sẽ là xác tàu cổ nhất của châu u tại khu vực được gọi là Tân thế giới.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)