Kiếm tiền triệu từ rơm rạ

Chí Nhân
Chí Nhân
27/11/2024 15:46 GMT+7

Thay vì đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe, nhiều nông dân đã tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm, nuôi trùn quế, làm phân bón hữu cơ mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Kinh nghiệm thực tế nói trên được chia sẻ tại hội thảo "Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt rơm rạ lộ thiên đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam". Chương trình do Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) hợp tác với các bên liên quan thực hiện 3 năm qua và được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA).

Kiếm tiền triệu từ rơm rạ- Ảnh 1.

Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa đang trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực sản xuất mới

ẢNH: CTV

Đại diện các hộ dân tham gia chương trình tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Hà, cho biết: Nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa được tận dụng để trồng nấm trong nhà kính. Sau đó, lượng rơm thải từ việc trồng nấm được tiếp tục tận dụng nuôi trùn quế, làm phân bón hữu cơ. Nhờ sản phẩm đạt chất lượng cao và sản lượng tốt nên thời gian gần đây có đầu ra ổn định. Riêng với việc trồng nấm, giúp gia đình có thêm thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi tháng. "Cách làm này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn giúp cải tạo đất và giảm tác động xấu đến môi trường", anh Hà cho biết.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, dự án còn phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Nam Bình (Đắk Song, Đắk Nông) sản xuất theo hướng sạch hơn bằng cách áp dụng phương thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, cho biết: Nhờ áp dụng các quy trình canh tác IPM giúp giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh nên chi phí đầu tư giảm. Quan trọng là quy trình này hướng đến việc tận dụng thiên địch để phòng trừ dịch bệnh nên góp phần giúp cây khỏe, ít bệnh và tăng tuổi thọ của cây tránh được tình trạng năm trước được mùa năm sau mất mùa.

Theo PGS-TS Đinh Văn Phúc, Viện Khoa học Xã hội Liên ngành (Trường đại học Nguyễn Tất Thành), dự án được triển khai thí điểm ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ý nghĩa về kinh tế có thể nhìn thấy được qua các con số thì điều quan trọng hơn là giải quyết vấn đề về môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe cho người dân đặc biệt là bà con nông dân trực tiếp sản xuất. Hy vọng là những mô hình này có thể tiếp tục được mở rộng và lan tỏa đến đông đảo người dân vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.