Lấy ý kiến người dân
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhấn mạnh các nhà khoa học đã khẳng định khí thải xe máy là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đô thị lớn. Người dân vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm của việc ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra.
“Theo tôi, kiểm tra khí thải đối với xe máy để kiểm soát ô nhiễm môi trường là việc cần phải làm, tương tự như đối với ô tô, và từ lâu các nước trên thế giới đã làm việc này một cách thường xuyên”, ông Sinh nói, nhưng cũng lưu ý việc kiểm tra trên thực tế có đạt kết quả tốt hay không là tùy thuộc vào nhận thức của người dân và cách làm của cơ quan nhà nước. “Cần chú trọng đến công tác truyền thông để mỗi người dân đều coi kiểm tra khí thải xe máy là việc bình thường, không chỉ hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường trong sạch mà còn là vấn đề văn minh đô thị. Cơ quan hữu trách được giao thực hiện chủ trương này, không được vin vào đó để gây phiền hà, khó dễ cho người dân”, TS Sinh lưu ý.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, giảng viên khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng đồng tình với việc kiểm soát khí thải xe gắn máy, nhưng cho rằng cần cân nhắc trước khi quyết định, vì: “Tôi nghĩ, về lý chúng ta tiến hành kiểm tra khí thải xe máy là đúng. Nhưng về tình, phần lớn người dân nước ta dùng xe máy làm phương tiện đi lại, trong đó những chiếc xe cũ nhất, chất lượng kém nhất lại thuộc sở hữu của những người dân nghèo. Chúng ta cần phải lưu ý đến một thực tế là, xe gắn máy gắn liền với kế sinh nhai của rất nhiều người”.
"Kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc là biện pháp tất yếu phải thực hiện vì đây là giải pháp chủ yếu tại tất cả các nước có kiểm soát khí thải ô tô, xe máy. Hết năm 2006, Đài Loan có trên 2.200 trạm kiểm tra khí thải, Thái Lan cũng có gần 2.000 trạm, Ấn Độ có khoảng 5.000 cơ sở kiểm tra khí thải định kỳ xe máy". (Trích báo cáo của Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải) |
Sẽ có lộ trình cụ thể
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên hôm qua 10.4, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục khẳng định: "Để kiểm soát được khí thải do xe máy gây ra, không còn cách nào khác là chúng ta phải tiến hành kiểm tra”. Tuy vậy, ông Giao cũng cho biết việc kiểm tra sẽ có lộ trình cụ thể: “Trước mắt là thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy tại các thành phố lớn, mỗi năm một lần. Xe đạt tiêu chuẩn mới được tham gia giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn khí thải phải tiến hành khắc phục bằng cách bảo dưỡng, sửa chữa, lắp thêm bộ xử lý khí thải và kiểm tra lại đảm bảo đạt tiêu chuẩn mới được phép lưu thông. Xe cũ có thể được đưa về khu vực chưa thực hiện kiểm soát khí thải. Sau khi làm tốt tại các thành phố lớn, sẽ tiến hành mở rộng ra cả nước”.
Theo ông Giao, mô tô, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí hiện nay. Mô tô, xe máy nói riêng và xe cơ giới nói chung sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính thải ra các thành phần trực tiếp gây ô nhiễm hoặc kết hợp để tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người, bao gồm: chì và các chất phụ gia khác có trong nhiên liệu. Ngoài ra, trong khí thải xe cơ giới có các thành phần gây hiệu ứng nhà kính như CO2, CH4… Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005 cũng cho thấy 70 - 90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, trong khi đó mỗi năm xe gắn máy gia tăng chóng mặt. “Đến cuối năm 2007, tại Việt Nam có gần 25 triệu mô tô, xe máy đăng ký sử dụng, tập trung chủ yếu ở các thành phố, trong đó riêng Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng đã chiếm tới 1/3 tổng lượng xe máy của cả nước. Dự báo đến năm 2020, số lượng mô tô, xe máy của nước ta sẽ tăng lên đến 35 - 40 triệu chiếc, trong đó 5 thành phố lớn có khoảng 10 - 12 triệu xe”, ông Giao nói và khẳng định: “Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 2 đối với mô tô xe máy sản xuất mới, đồng thời thực hiện kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô tô xe máy tham gia giao thông theo lộ trình thì đến năm 2012 cơ bản kiểm soát được và đến năm 2015 hoàn toàn kiểm soát khí thải mô tô xe máy tại các thành phố lớn”.
Xuân Toàn - Quang Duẩn
Bình luận (0)