Kiên lục bát và ‘68 nhánh cỏ thi”

11/04/2021 16:00 GMT+7

68 nhánh cỏ thi là tập trường ca mới nhất gồm 68 khúc lục bát của tác giả Nguyễn Thế Kiên. Đó là 68 cung bậc cảm xúc, tình cảm và cả những băn khoăn, trăn trở, day dứt mà nhà thơ chắt lọc, ký gửi vào đó.

Sự khéo léo và linh hoạt trong cách vận dụng các hình ảnh, cấu tứ đã tạo nên nét độc đáo trong thơ lục bát của Nguyễn Thế Kiên nói chung và tập trường ca này nói riêng. Với 68 nhánh cỏ thi, “Kiên lục bát” đã tạo dựng trong thơ lục bát của mình một thế giới hình ảnh phong phú, vừa bình dị gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, độc đáo, bất ngờ và thú vị. Nhà thơ cất lên tiếng nói thành thật từ chính con tim mình dành cho quê hương, dành cho Mẹ và Tổ quốc.
Nguyễn Thế Kiên đặt tên tập trường ca: 68 nhánh cỏ thi, mới nghe qua có vẻ bình dị, giản đơn nhưng ngẫm lại có nhiều ẩn ý, tạo nên sự ám gợi. Không phải 68 nhành hoa, 68 mùa xuân hay 68 mùa hoa, phải chăng Nguyễn Thế Kiên khi đặt tên sách đã phải nghĩ suy và cân nhắc rất nhiều. Với 68 nhánh cỏ thi, người đọc tinh ý sẽ nhận ra những ý nghĩa sâu sắc khi đọc xuyên suốt cả tập trường ca này.
Cách phân chia trong 68 nhánh cỏ thi phần nào toát lên chủ đề mà nhà thơ hướng đến. Phần chính gồm 7 chương với những phác họa, những phản ánh, sự thao thức của một người luôn dõi theo sát bao thay đổi của cuộc sống. Ở đó người đọc sẽ nhận thấu bao điều buồn - vui, được - mất, bao dang dở, khóc cười. Nhà thơ làm cuộc hành trình: Từ trang cổ tích, Những mảnh ghép thời bao cấp, Gió mới, Trên đường công nghiệp hóa, Ngổn ngang giải phóng mặt bằng, Trên vạt gió đồng bằng, Tụ dưới vòm quê.
Ngoài phần chính, Nguyễn Thế Kiên còn đưa vào 2 phụ bản: Mười bài lục bát dâng quê; Mười bài lục bát dâng mẹ và Tổ quốc.
Nguyễn Thế Kiên đã có nhiều bài thơ viết về nông thôn, đặc biệt là hình ảnh làng quê, bến nước, sân đình... Nhưng những hình ảnh thôn dã hiện tại đang dần “vắng bóng”, bao hình ảnh thân thương, gần gũi, quen thuộc của quê nhà bị biến tướng và có nguy cơ biến mất, xóa sổ dưới tác động của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hồ ao lấp kín mặt rồi/ Sau bao kế đất mưu giời tính toan/... Công nghiệp hóa cả cuốc cày/ Khổ thân khoai lúa thợ thầy dở dang/ Trong cơn quy hoạch ngập tràn/ Bờ xôi ruộng mật bỏ hoang gió vầy. Để rồi nhà thơ đành ngậm ngùi trong câu hỏi đầy xốn xang: Rơm vàng thắt ngấn sợi buồn/ Ngày xưa về đã vuông tròn về đâu? (Biên bản bên cánh đồng làng).
Thơ lục bát Nguyễn Thế Kiên phần nhiều là lục bát thế sự. Đó là bao nỗi suy tư, chiêm nghiệm về đời, về đạo và cả những bất an của xã hội mà anh sống và chứng kiến. Bên cạnh những vấn đề thô ráp đời thường, thơ anh còn phản ánh những điều nằm trong chiều sâu tâm thức. Ở đó là trách nhiệm, là tấm lòng, là tiếng nói của một công dân ý thức sâu sắc trước thời cuộc. Mượn lời ru của mẹ Âu Cơ, nhà thơ đã nói lên những vấn đề thời sự nhức nhối về biển đảo, về chủ quyền của Tổ quốc và ý thức trách nhiệm công dân với nhiều nỗi day dứt: Dẫn con về phía biển xanh/ Thương cha, mẹ khóc lệ thành đảo xa/ Mấy đời xẻ bảy chia ba/ Sục sôi biển cứ thiết tha cùng người. Từ bao đời nay, biết bao máu xương đã đổ để bảo toàn và gìn giữ mảnh đất thiêng liêng cong cong như hình chữ S này. Sóng ngầm vạn kiếp chưa thôi/ Mẹ ru đá ngủ trong lời nước non/ À ơi mấy cuộc vuông tròn/ Máu cha còn gửi cội nguồn đất đai. Giọt nước mắt, lời ru, sự nhân từ của mẹ Âu Cơ còn vang vọng mãi trong hồn thiêng sông núi cho đến hôm nay. Bao khổ ải và cả những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha ông, để con cháu chúng ta hôm nay có được mảnh đất thân yêu này. Nước mắt mẹ ứa màu son/ Mẹ ru cho lặng sóng cồn biển xanh/... À ơi, đảo nổi đảo chìm/ Từ cay đắng mẹ - mà nên đất này (Lời ru mẹ Âu Cơ gửi đảo).
Nguyễn Thế Kiên đã đi qua những năm tháng của thời bao cấp và chứng kiến những thay đổi chóng mặt từ thời đổi mới. Tất cả đều ghi dấu và để lại cho anh nhiều nỗi niềm. Bao câu hỏi khắc khoải, trĩu nặng ưu tư nhưng thấm thía và chân thành.
Lục bát Nguyễn Thế Kiên được viết theo một lối riêng: dân dã, tự nhiên, hồn hậu nhưng cũng rất thẳng thắn. Yếu tố bông đùa, hài hước thậm chí có lúc “tưng tửng” nhưng rất đáng yêu. Do vậy, thơ anh đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Như khi nghĩ về cái sân kho hợp tác xã, Nguyễn Thế Kiên đã có những vần thơ khá ấn tượng: Cái cân hợp tác đâu rồi/ Đã chia nát cả một thời ăn vay/ Rạ rơm quây hốc hác gầy/ Trên mê nón vá tháng ngày gió sương/ Kho xưa lốc móng, mủn tường/ Nền tập thể nát mười phương tán rồi/ Vẹn nguyên còn nỗi niềm người/ Thẫm vào máu đất liệm lời trăm năm.
Như con ong chăm chỉ hút nhụy hoa để dâng mật cho đời, trường ca 68 nhánh cỏ thi của Nguyễn Thế Kiên đã góp vào làng thơ Việt đương đại một giọng thơ lục bát đậm đà hương vị tình quê!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.