Tại Hội nghị triển khai thực hiện quyền tác giả âm nhạc do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 23.5 vừa qua, ông Trần Chiến Thắng (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL) cho biết Bộ đang đề nghị sửa khái niệm "nhuận bút" trong Luật Sở hữu trí tuệ (mới ban hành năm 2005). Theo ông Thắng, khái niệm "nhuận bút" được sinh ra trong thời kỳ quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa, khi những người cầm bút đều là công chức ăn lương nhà nước. Việc của họ là viết, viết xong, nộp bản thảo cho nhà xuất bản, nhà xuất bản muốn in lúc nào thì in. Sách được phát hành thì người viết có thêm chút nhuận bút, ngoài khoản lương cố định.
Vì vậy, khái niệm "nhuận bút" ở đây được hiểu là khoản "thêm, nếm". Ông Thắng cho rằng cần phải thay đổi quan niệm về "nhuận bút" cũng như quan niệm về quyền tác giả. Thay vào đó nên gọi là "tiền bản quyền tác phẩm" hay "tiền tác quyền". Từ đó, phải xây dựng lại hệ thống thước đo, đánh giá giá trị tác phẩm và công sức của người sáng tạo một cách hợp lý hơn so với Nghị định 61/2002 về chế độ nhuận bút.
Ông Vũ Mạnh Chu (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ VH-TT-DL) cũng nhấn mạnh: "Mức nhuận bút theo khung hiện hành là quá thấp. Thực tế, nhiều nơi cũng không áp dụng khung nhuận bút này, mà tùy theo thỏa thuận dân sự. Theo tôi, việc chi trả nhuận bút phải được tiến hành theo thỏa thuận giữa người sử dụng và người sáng tạo".
Sắp tới, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi cấp phép sử dụng tác quyền và thu tiền bản quyền âm nhạc ở các cửa hàng thời trang, quán karaoke, khách sạn, nhà xuất bản và ngành đường sắt với mức biểu giá do trung tâm tự đề ra. Ví dụ, với cửa hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm, phòng trưng bày, mức giá tác quyền sử dụng âm nhạc sẽ là 500.000 đồng/năm trong trường hợp cửa hàng có diện tích dưới 50m2. Mức giá 700.000 đồng/năm được áp dụng cho cửa hàng có diện tích từ 51m2 đến 100m2. Với cửa hàng diện tích từ 101m2 đến 5.000m2, chủ cửa hàng phải trả 1.000.000 đồng/năm để được sử dụng âm nhạc...
Y Nguyên
Bình luận (0)