Kiến nghị giảm phí chuyển mục đích sử dụng đất

06/05/2008 22:45 GMT+7

* Doanh nghiệp bất động sản muốn tự thỏa thuận đền bù Ngày 6.5, tại TP.HCM, hơn 200 doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh thành phía Nam đã dự hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai.

Các DN đã nêu nhiều đề nghị liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để đưa vào luật trong thời gian tới.

Tự thỏa thuận đền bù và cơ chế một giá

Mặc dù lãnh đạo Bộ TN-MT đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai nội dung bỏ cơ chế DN tự thỏa thuận với người dân khi đền bù giải tỏa để thực hiện các dự án có mục đích phát triển kinh tế, nhưng phần lớn ý kiến tại hội nghị yêu cầu hãy để cho DN tự thỏa thuận. Theo các DN, nếu để các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất triển khai đền bù thì sẽ rất chậm, đồng thời nguồn vốn đền bù hàng trăm dự án là rất lớn, chỉ riêng việc loay hoay tìm ra vốn cũng đã khó khăn. Trong khi đó, mỗi DN có khoảng vài ba dự án, lại chủ động về vốn nên đẩy nhanh được tiến độ đền bù. Ông Lê Văn Khôi - đại diện Công ty TNHH Tiến Dũng (Đồng Tháp) phát biểu: "Nếu để trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất đền bù thì bộ máy của trung tâm phải rất chuyên nghiệp và rất lớn, để đảm bảo một lúc triển khai đền bù hàng chục dự án. Trong khi hiện tại các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất hoạt động rất yếu, gần như là một cơ quan hành chính".


Ông Lê Văn Khôi, DNTN Tiến Dũng: "Tôi đề nghị nên để cho DN tự thỏa thuận khi đền bù"

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: "Vấn đề gây ra sự đối đầu giữa DN với người dân là do chênh lệch giá đất trước và sau khi đền bù; chênh lệch giá đất giữa các dự án phát triển nhà ở, phát triển kinh tế với các dự án có mục đích công cộng. Nếu Nhà nước bồi thường cho tất cả mọi loại dự án đều bằng cơ chế như nhau thì sẽ giải quyết được căn bản những vướng mắc hiện nay".

Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc cho biết: "Luật Đất đai lần này sẽ đảm bảo cơ chế một giá đền bù đối với mọi loại dự án. Hiện tại, có 3 luồng ý kiến liên quan đến đền bù giải tỏa: giữ nguyên cơ chế tự thỏa thuận như cũ; trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất thực hiện đền bù rồi tổ chức đấu giá đất sạch; DN thỏa thuận phần lớn và phần còn lại nếu quá khó khăn thì Nhà nước can thiệp. Tuy nhiên, nếu DN muốn bảo lưu cơ chế tự thỏa thuận thì Bộ TN-MT cũng sẽ xem xét và tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện trước khi luật ban hành".

Khoanh vùng cho phân lô bán nền!

Thứ trưởng Trần Thế Ngọc khẳng định: "DN chỉ được phép phân lô bán nền trong khu vực mà các cấp thẩm quyền cho phép. Thực tế hiện nay, tại khu vực nội thành chủ yếu đầu tư xây dựng chung cư. Còn ở các vùng ven, ngoại thành thì chỉ có nền đất mới hấp dẫn người dân. Do vậy, Bộ TN-MT đưa vào nội dung cho phân lô bán nền nhưng với điều kiện khoanh vùng khu vực nào, bán bao nhiêu, bán vào lúc nào thì chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ quyết định". Có một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ nảy sinh hiện tượng "chạy chọt" để được cho phép phân lô bán nền, hoặc tái diễn cảnh mua đất nền, sau đó bán lại để hưởng lợi nhuận. Điều này sẽ góp phần tăng giá đất và phát sinh tiêu cực, xáo trộn quá trình đô thị hóa. Ông Bùi Công Giang - Giám đốc Công ty TNHH Anpha bức xúc: "Vấn đề không phải ở chỗ cho phân lô bán nền hay không mà chính ở chỗ Nhà nước kiểm soát, quản lý như thế nào. Tại sao không tăng cường vai trò quản lý, không quy định biện pháp chế tài đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng trong một thời hạn nhất định mà lại cấm?".

Nên giảm tiền chuyển mục đích sử dụng còn 10-20%


Ông Bùi Công Giang, Giám đốc Công ty Anpha: "Thế nào là giá đất trong điều kiện bình thường?"

Nhiều ý kiến của DN cho rằng mức thuế chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay 100% là quá lớn, khiến cho người dân và DN gặp rất nhiều khó khăn. Bất hợp lý là khi mua đất phải trả tiền, khi chuyển mục đích sử dụng lại phải trả tiền thêm một lần nữa, điều này chẳng khác nào "trả tiền để mua đất của mình".

Ông Lê Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Sao Mai (An Giang) cho rằng: "Tôi đề nghị phải xóa bỏ bất hợp lý về khoản tiền chuyển mục đích sử dụng đất đã tồn tại lâu nay bằng cách xác định giá đất bằng với giá thị trường (chứ không phải bằng 30 - 50% như hiện nay), nhưng mức thuế chuyển mục đích sử dụng đất chỉ quy định từ 10 - 20%". Nhiều DN cũng nhất trí với đề nghị này và ông Lê Hoàng Châu cũng phát biểu: "TP.HCM đã kiến nghị như vậy nhưng hiện nay các bộ ngành vẫn chưa có hồi âm. Xóa bỏ bất hợp lý này sẽ tháo gỡ rất nhiều cho người dân và DN". Thứ trưởng Trần Thế Ngọc khẳng định: "Vấn đề này các DN kiến nghị như vậy là hợp lý. Bộ TN-MT sẽ có kế hoạch làm việc với Bộ Tài chính để xem xét giải quyết kiến nghị này".

Liên quan đến việc xác định giá đất, ông Bùi Công Giang cho rằng: "Việc xây dựng khung giá đất hằng năm còn rất nhiều bất cập. Nguyên tắc định giá đất theo luật là phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Nhưng khái niệm "trong điều kiện bình thường" như thế nào thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, việc xác định giá đất của các địa phương vẫn còn mang tính chất võ đoán, chưa thực sự tôn trọng thị trường".

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.