Trả lời bằng văn bản về kiến nghị liên quan đến giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
"Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục). Thêm nữa, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học (không thi, không học)", Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, hiện kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi; UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương, thực hiện tất cả các khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo điều động của Bộ GD-ĐT để góp phần tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan, tin cậy, bảo đảm phục vụ tốt cho các mục đích tổ chức thi, nhất là tham khảo sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm theo tinh thần tự chủ.
Bộ GD-ĐT còn khẳng định đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022; đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cung cấp thông tin chính xác, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM đưa ra kiến nghị nêu trên. Lần gần đây nhất là tháng 4.2022, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, UBND TP này đã kiến nghị Bộ GD-ĐT giao cho thành phố cơ chế đặc thù để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. UBND TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm toàn diện, thực hiện tất cả khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do Sở GD-ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi, bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành.
Bình luận (0)