Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) do Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) tổ chức tại Hà Nội ngày 22.8. Dự thảo này được soạn thảo sau nhiều vụ việc các gia đình nghệ sĩ tài năng nhưng trượt giải lên tiếng. Theo Vụ Thi đua khen thưởng, quá trình thực hiện nghị định cho thấy nổi lên hai nội dung còn bất cập là quy định về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng và quy định về tỷ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp.
Bất cập việc đếm huy chương, tính phiếu bầu
|
Tại hội thảo, một số đại biểu kiến nghị hạ tỷ lệ đồng thuận trong hội đồng xét chọn giải thưởng xuống. Ông Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, cho rằng: “Khi xét giải tỷ lệ gần 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 hay 2 người nắm phiếu quyết định, không bỏ phiếu là “chết””. Ông Sơn đề nghị tỷ lệ xét giải nên để là 75%. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cũng cho rằng nên giảm tỷ lệ phiếu xuống 75%. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL), thậm chí còn nói: “VHNT mà đồng ý tới 90% thì chỉ có là bảo nhau cùng thỏa thuận”, đồng thời đề nghị mức phiếu là 75%.
Ông Nguyễn Phú Cường còn cho rằng quy định huy chương giải thưởng đang làm khó giới mỹ thuật. Hiện tại, triển lãm mỹ thuật quốc gia tổ chức khá thưa, 5 năm/lần, số lượng huy chương lại ít. Vì thế, nếu so với hội diễn sân khấu 2 năm/lần, lại có hàng chục huy chương thì nghệ sĩ tạo hình rất thiệt thòi. “Nếu áp dụng tỷ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả các chuyên ngành là không công bằng. Không thể cho tất cả các ngành VHNT vào một giỏ được”, ông Cường khẳng định.
Nhạc sĩ Vũ Tự Lân, đại diện Hội Nhạc sĩ VN, lại nhắc đến những nghệ sĩ có tài, để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu, nhưng sống trong thời kỳ chống Pháp thì không có các cuộc thi để mà có giải thưởng. “Hội Nhạc sĩ đã kiến nghị vấn đề này và trong lần xét giải năm 2016 vừa rồi, chúng tôi vẫn bỏ phiếu cho nhiều nhạc sĩ dù không đủ tiêu chuẩn về giải thưởng”, ông nói. Với một số trường hợp đặc thù, theo ông Lân, không nên cứng nhắc tiêu chuẩn này.
Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cũng nhắc tới các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong chiến tranh. Họ dấn thân phục vụ cách mạng, có nhiều tác phẩm để đời nhưng lại không hề có huy chương. “Nếu trong đợt xét giải thưởng vừa qua áp dụng tiêu chí huy chương vàng, giải thưởng thì Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN không có ai được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhưng nhờ có điều chỉnh của Thủ tướng nên về nhiếp ảnh có 5 tác giả được giải thưởng. Vì vậy, tiêu chí về giải thưởng, huy chương cần được nghiên cứu điều chỉnh”, ông Thành nói.
|
Nâng cao chất lượng hội đồng
Mặc dù tỷ lệ, con số là rào cản khiến việc xét duyệt khó chính xác, song chất lượng hội đồng xét duyệt cũng là điều đáng bàn. Nhạc sĩ Bùi Gia Tường đưa ý kiến: “Tôi đề nghị hội đồng phải làm việc công tâm”.
Nhà văn Chu Lai nói về “thái độ” của người xét duyệt. Theo ông, việc ghét mà dìm hàng nhau trong bỏ phiếu là có thật. “Cũng nhiều trường hợp vì ghen ghét mà không bầu cho nhau chứ. Nên có những người xứng đáng mà không thể được giải”, ông nói.
NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, cho biết ông cũng đã ngồi vào vị trí hội đồng xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Ở cấp cuối cùng trước khi trình danh sách lên Thủ tướng, hội đồng có 9 chuyên ngành (điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, văn học, múa, sân khấu, âm nhạc, văn nghệ dân gian). “Chúng tôi nhìn vào ý kiến của hội đồng trước để bầu. Nói thật là cũng ăn theo kết quả trước. Nhưng chúng tôi không thể biết hết các ngành được”, ông Phương nói.
Về hội đồng 9 ngành ngồi với nhau này, ông Chu Chí Thành lại ví von khi bầu giải thưởng, thành viên hội đồng bỏ phiếu cũng băn khoăn mà không bỏ phiếu cũng không ra sao cả. “Anh có quyền nhưng không có lực. Anh có quyền bỏ người ta ra nhưng anh không có lực vì anh không hiểu ngành đó”, ông Thành nói. Chính vì thế, theo ông Thành, ở cấp cuối cùng này, chúng ta nên có hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước chứ không phải là hội đồng cấp nhà nước chung chung tới 9 ngành như hiện nay. “Thực tế, hội đồng cấp nhà nước là quan trọng nhất, nhưng lại ở vị trí chung chung. Anh có quyền nhất nhưng lại không hiểu nhất, chỉ bỏ phiếu theo kiểu ăn theo thì oan uổng cho nhiều người”, ông Thành nói.
Dự kiến, sắp tới, Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định này tại miền Nam để cuối năm 2017 có thể hoàn thiện văn bản trình Chính phủ.
Bình luận (0)