Cảng vụ đã làm gì ?
Theo luật Hàng hải, khi thảm họa xảy ra, Giám đốc cảng vụ là người chịu trách nhiệm “Tổ chức tìm kiếm, cứu người gặp nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường”, thế nhưng thông tin những ngày qua về thảm họa làm 9 người chết cho thấy vai trò “chủ trì” của cảng vụ rất mờ nhạt.
Trả lời Thanh Niên hôm qua, ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, nói: “Thông tin ban đầu chúng tôi nhận được lúc 21 giờ 30 phút ngày 2.8 về tai nạn ca nô trên vùng biển Cần Giờ từ Trung tâm 3. Ngay sau đó, tôi lập tức gọi điện báo cho các lực lượng H.Cần Giờ, Bộ đội biên phòng TP.HCM... để phối hợp. Từ cảng vụ ra tới khu vực ca nô bị nạn phải mất 3 giờ đồng hồ, đêm tối, nước chảy ngược nữa nên ca nô đi rất chậm”. Vì sao thông tin báo quá chậm? Ông Sang nói: “Liên quan đến vấn đề đó thì tôi cũng chưa nắm rõ, vì đang trong quá trình điều tra. Nhưng tôi khẳng định, nếu thông tin tai nạn chúng tôi nhận sớm hơn thì chắc hậu quả sẽ không nghiêm trọng đến mức như thế này”. “Trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân và nguyên nhân vụ chìm ca nô đang trong quá trình điều tra”, ông Sang bày tỏ.
Còn tại Vũng Tàu, nơi tiếp nhận thông tin đầu tiên thì ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, khẳng định: “Khi chúng tôi nhận được tin báo tàu bị sự cố khoảng 21 giờ nhưng là tin báo tàu bị hết xăng”.
|
“Không hiểu sao thông tin lại lòng vòng”
Ông Trần Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí VN (PV PIPE, là đơn vị chủ quản của các công nhân gặp nạn) đến hôm qua vẫn còn thảng thốt. “Không hiểu sao thông tin cứu hộ, cứu nạn lại lòng vòng để rồi phải chịu mất mát đau thương như thế”, ông Thuyết bày tỏ.
Trên thực tế đã có rất nhiều chuyện khó hiểu xung quanh công tác triển khai cứu hộ cứu nạn ca nô H29 - BP. Vấn đề đáng chú ý là hầu như không có ai là “tổng chỉ huy” công tác cứu hộ. Theo tường tình của ông Nguyễn Ngọc Tuấn (cán bộ Công ty du lịch Vũng Tàu Marine - đơn vị mượn ca nô H29 - BP xuống Tiền Giang chở người của Công ty PV PIPE) vào thời điểm xảy ra tai nạn thì thông tin tai nạn được biết từ rất sớm (18 giờ chiều) và có nhờ tàu của biên phòng xuất phát ra cứu hộ.
Thượng tá Nguyễn Thế Phát, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ Biên phòng cửa khẩu cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng kể: "Khoảng 20 giờ ngày 2.8, anh Quỳnh (thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói với tôi là có một bo bo bị hết nhiên liệu và cho biết là đã gọi cho anh Ánh đưa tàu biên phòng ra tiếp nhiên liệu rồi. Anh Quỳnh không nói với tôi là ca nô H29 - BP. Một lúc sau thì tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nói ca nô bị nạn, chìm rồi”.
Chiều hôm qua ông Tuấn lại khẳng định: “Lúc 20 giờ 25 ngày 2.8, tôi nhận được thông tin ca nô bị chìm thì tay chân đã bủn rủn rồi. Tôi chạy ra tàu cánh ngầm để thuê ca nô ra nơi ca nô H29 - BP bị nạn nhưng được những người ở bến cảng nói nên đến Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu báo tin. Khi tôi đến nơi thì thấy cảng vụ đóng cửa nên điện thoại vào số điện thoại ghi trên trụ sở cảng vụ để báo tin, nhưng tôi chỉ nói là tàu bị nạn thôi. Cảng vụ cho tôi số của Trung tâm 3 để tôi báo tin. Tôi gọi điện thoại cho Trung tâm 3 và cũng báo là tàu bị nạn chứ không nói tàu bị chìm”.
Báo tin gặp nạn lúc 19 giờ ? Trong tường trình hôm qua, ông Vũ Văn Đảo cho biết: khoảng 20 giờ 20 ông nhận được thông tin chính thức từ anh Phước ca nô H29 - BP bị nạn và liên lạc ngay với ông Quỳnh xin cứu hộ khẩn cấp “đồng thời báo cho anh em quen biết trong các công ty trong KCN liên lạc ngay với cảng vụ và cơ quan tìm kiếm cứu nạn để cứu ca nô H29-BP. Trên đường đi, tiếp tục chỉ đạo ca nô H790 - BP quan sát tìm kiếm người bị nạn, nhưng do thời tiết quá xấu, tầm quan sát bị hạn chế nên anh em trên tàu không nhìn thấy người bị nạn, lúc này tôi được biết các cơ quan cứu hộ đã triển khai phương tiện ra cứu nạn và Công ty Việt - Czeck Technology J.S cũng đã điều ca nô KH 0606 và Falcon 08 đi tìm kiếm cứu nạn”. Chiều qua Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Dương (thợ máy ca nô H29 - BP). Anh Dương nói mình không nhớ chính xác ca nô chìm lúc mấy giờ do không có đồng hồ. Tuy nhiên, anh khẳng định lúc 19 giờ ngày 2.8 đã báo tin ca nô H29 - BP gặp nạn cho ông Đảo. |
Thanh Niên
Bình luận (0)