Kiện phòng vệ thương mại

25/07/2013 03:00 GMT+7

Dù có sẵn cơ sở pháp lý gần 10 năm nay, Việt Nam mới chỉ có 3 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong khi nhiều doanh nghiệp phải vất vả đi hầu kiện các nước.

Kiện phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp thép trong nước đã bắt đầu ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình - Ảnh: Diệp Đức Minh

Việc Posco VST và Inox Hòa Bình nộp đơn kiện chống bán phá giá là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong nước bắt đầu đã ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình. Dù có sẵn cơ sở pháp lý gần 10 năm nay, Việt Nam mới chỉ có 3 vụ kiện phòng vệ thương mại.

Chia sẻ tại hội thảo “Kiện chống bán phá giá tại VN: đánh thức công cụ bị bỏ quên” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức sáng 24.7, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế của VCCI thẳng thắn bày tỏ, việc áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) chưa được như mong muốn, mới chủ yếu đi kháng kiện mà chưa sử dụng để bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước hiệu quả. “Nói hình ảnh thì chúng ta có súng giắt ở thắt lưng nhưng chưa biết dùng”, bà Loan nói.

Bị kiện nhiều, đi kiện ít

 
Nói hình ảnh thì chúng ta có súng giắt ở thắt lưng nhưng chưa biết dùng
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế (VCCI)

Nếu VN chỉ mới tiến hành được 3 vụ kiện (2 vụ áp thuế tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá - CBPG) thì tính đến năm 2011, Indonesia đã có 89 cuộc điều tra CBPG, Thái Lan là 56 cuộc. Theo thống kê từ VCCI, nhiều loại hàng hóa top 5 nhập khẩu vào VN từ các nước láng giềng như thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu nhiên liệu; sắt thép; nhựa và sản phẩm nhựa đang là đối tượng của nhiều vụ kiện ở các thị trường khác trên thế giới. “Rất có thể đang có nhiều loại hàng hóa bán phá giá hoặc được trợ cấp nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại ở VN”, bà Loan nêu vấn đề.

10 nước bị kiện CBPG nhiều nhất thế giới theo thống kê của WTO là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Nhật, Indonesia… đều là các nước xuất khẩu lớn vào VN. Theo bà Loan, không có gì đảm bảo những nước này không bán hàng phá giá, hoặc cạnh tranh không lành mạnh vào VN. Vấn đề ở chỗ DN trong nước đang thiếu thông tin, thiếu chủ động nắm bắt cơ hội để tự bảo vệ mình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các DN trong nước lại ngần ngại chưa áp dụng các công vụ PVTM? Bà Nguyễn Thị Dung, đại diện Công ty thép Bluescope lý giải, DN hoàn toàn bị động, đến khi có vụ việc đụng chạm mới tìm hiểu. Các DN cũng chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các vụ kiện CBPG, tự vệ thương mại, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, không đầu tư đủ thời gian và tài chính nên kết quả thường không tốt. Ngoài ra, DN cũng rất khó tiếp cận về mặt thông tin từ cơ quan chức năng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép VN (VSA), cho rằng yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện là số liệu thống kê. Các số liệu nhập khẩu Tổng cục Hải quan nắm rõ, nhưng DN rất khó tiếp cận mà thường phải đi đường vòng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực cạnh tranh, bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho biết, dù đã kháng kiện hơn 67 vụ về PVTM, nhưng lần nào cũng rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn do không lấy được số liệu. “Có trường hợp chúng ta (bên bị kiện) đã phải ngậm ngùi lấy số liệu của bên khởi kiện, may mắn số liệu đối thủ lại ủng hộ lập trường của ta. Chúng tôi khuyến nghị các số liệu thống kê cho các vụ kiện CBPG, tự vệ phải cung cấp sẵn sàng cho các DN, ngành hàng cũng như Cục Quản lý cạnh tranh”, bà Loan đề xuất.

Xu thế tất yếu

Việc Posco VST và Inox Hòa Bình hồi tháng 5.2013 nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu điều tra CBPG với sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu từ 4 thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, đang gây ra những phản ứng khác nhau từ các DN trong nước. Ông Đàm Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Sơn Hà, cho rằng việc áp dụng thuế CBPG có thể chỉ làm lợi một số ít DN, trong khi DN sử dụng thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào có khả năng bị thiệt hại do giá nguyên liệu bị đội lên.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA, việc xung đột lợi ích là bình thường giữa một bên là DN nhập về để gia công sản phẩm và một bên là nhập nguyên liệu cuộn cán nóng về sản xuất thành phẩm (Posco VST và Inox Hòa Bình). “Vụ kiện vẫn đang được xem xét, nhưng quan điểm của hiệp hội là ủng hộ các DN sản xuất, vì dù nhập nguyên liệu về để sản xuất nhưng vẫn có phần giá trị gia tăng trong nước so với hoàn toàn nhập sản phẩm thép về để gia công chế biến”, ông Nghi nói.

Ở khía cạnh khác, theo ông Lê Sỹ Giảng, Phó ban PVTM (Cục Quản lý cạnh tranh), “Bệnh nào thuốc đó, CBPG chỉ là một công cụ, chỉ sử dụng khi DN nước ngoài bán phá giá vào thị trường VN. Nếu có sản phẩm nhập khẩu nào tăng ồ ạt hoặc gian lận thương mại, không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật có thể sử dụng các công cụ khác như hàng rào kỹ thuật, thương mại”.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, việc dựng hàng rào kỹ thuật là biện pháp đầu tiên nên áp dụng để ngăn chặn hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh nhập vào VN. Ông Nghi dẫn ra ví dụ, với ngành thép đã có hàng rào kỹ thuật như quy chuẩn thép cốt lõi bê tông (đầu năm 2014 áp dụng) để chặn hàng nhập khẩu giá rẻ. Ngoài ra, lâu nay DN Trung Quốc lợi dụng kẽ hở về chính sách để xuất sang VN lượng lớn thép có chứa vi lượng Bo (thực chất là thép xây dựng nhưng pha vi lượng Bo 8 phần nghìn để được xác định là thép hợp kim). VSA đã tư vấn cho hải quan yêu cầu các DN phải khai chi tiết, đầy đủ thành phần, sử dụng làm gì, sau đó hậu kiểm, là rào cản để hạn chế bớt thép chất lượng xấu vào VN. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật, thương mại của các ngành hàng sản xuất trong nước (trong khuôn khổ quy định của WTO) tới nay vẫn rất khiêm tốn.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng PVTM là xu thế tất yếu của thế giới để đối phó với các vấn đề nhập khẩu và VN cũng không thể nằm ngoài xu thế này. Vấn đề là cơ quan điều tra (ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh) cần có thêm hỗ trợ thông tin nhiều hơn cho các DN, cũng như cân đối lợi ích giữa các bên (DN khởi kiện và DN bị ảnh hưởng nếu áp thuế) để bảo đảm việc áp dụng PVTM không gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế xã hội trong nước.

Ống thép Việt Nam bị điều tra chống phá giá ở Mỹ

Theo Reuters hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ vừa bắt đầu một trong những cuộc điều tra chống phá giá lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào sản phẩm ống thép dùng trong khai thác dầu khí của 9 quốc gia/vùng lãnh thổ. Số này bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Ả Rập Xê Út, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Đài Loan. Giá trị nhập khẩu của hàng ống thép dầu (OCTG) của 9 nước/vùng lãnh thổ này lên đến gần 1,8 tỉ USD trong năm 2012, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010. Các DN Mỹ đã nộp đơn đòi áp thuế chống phá giá lên đến 240% đối với Ấn Độ, Hàn Quốc 158%, Thái Lan 118% và VN 111%. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, các nguyên đơn còn đòi áp thêm “thuế bù đắp” để bù vào khoản mà họ cho là được chính phủ 2 nước trợ giá bất hợp pháp. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định sơ bộ về thuế bù đắp vào tháng 9, và thuế chống phá giá vào tháng 12. Các quyết định chính thức sẽ được công bố vào năm sau.

Thụy Miên

Mai Hà

>> Điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu
>> Ngành thép lại bị doanh nghiệp Mỹ kiện bán phá giá
>> Mỹ chọn Indonesia để tính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam
>> Đối mặt kiện chống bán phá giá: Chủ động ứng phó
>> Đối mặt kiện chống bán phá giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.