Chiều 6.10, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sau 5 ngày làm việc, BCH T.Ư đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Nghị quyết đặt mục tiêu tới năm 2020 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững KT-XH và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo; tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân các tỉnh, TP ven biển ngày càng cao; đóng góp của các ngành kinh tế biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước, đóng góp GRDP của các tỉnh, TP ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, TP ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo... Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển...
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của LHQ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Về tình hình KT-XH, Tổng bí thư cho hay T.Ư nhận định trong 9 tháng năm 2018, KT-XH nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; dự báo đến cuối năm 2018 có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ USD; chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm...
Tuy nhiên, T.Ư cũng chỉ rõ đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội; tình hình trong nước, quốc tế còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đó, T.Ư cho rằng, từ nay đến cuối năm và trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
Tiếp tục hoàn thiện quy định nêu gương
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng bí thư nêu rõ tại hội nghị lần này T.Ư đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng. T.Ư cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo quy định và giao Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của T.Ư để hoàn thiện và sớm ban hành quy định.
“Nếu gần 200 Ủy viên T.Ư khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào BCH T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”, Tổng bí thư nói và cho biết cách thể hiện của quy định phải trong sáng, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá.
Tổng bí thư làm Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII
Tại họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng khóa XII, ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho hay sau 5 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 8 đã quyết nghị: thông qua Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng; thông qua Kết luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Hội nghị cũng đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, gồm Tiểu ban Văn kiện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban KT-XH do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm trưởng tiểu ban.
BCH T.Ư thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội (QH) bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV tới; bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII là ông Võ Thái Nguyên và ông Trần Đức Thắng. BCH T.Ư cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh; cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI và Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT...
|
Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 12
Cũng tại họp báo chiều 6.10, trả lời câu hỏi về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh trong Đảng khóa XII, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, cho biết trong chương trình nghị sự năm 2018 của BCH T.Ư còn Hội nghị T.Ư lần thứ 9 vào tháng 12 để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư và đối tượng là cấp ủy các cấp, ban thường vụ các cấp theo quy định. Việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng được thực hiện sau khi lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH, HĐND bầu, phê chuẩn.
Về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được T.Ư thống nhất giới thiệu để QH bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Vĩnh cho biết tại hội nghị 175/175 ủy viên T.Ư có mặt đồng ý, đạt 100%. Đối với câu hỏi, việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước có tiếp tục duy trì trong nhiệm kỳ sau hay không, ông Vĩnh cho biết việc Tổng bí thư được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là một việc tự nhiên vì tập quán chính trị trên thế giới thì người đứng đầu đảng cầm quyền là người đứng đầu Chính phủ hay nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai. Bên cạnh đó, trong lịch sử chúng ta đã có sẵn chế định khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch đảng vừa là Chủ tịch nước trong nhiều năm. Ông Vĩnh cũng cho hay, không đặt vấn đề sáp nhập Văn phòng T.Ư Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước khi Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.
|
Bình luận (0)