'Kiến trúc sư' Chiến tranh vùng Vịnh qua đời

Bảo Vinh
Bảo Vinh
19/10/2021 06:36 GMT+7

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell được đánh giá là đóng vai trò chủ chốt trong nhiều hành động quân sự của Mỹ vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

CNN tối qua dẫn thông báo từ gia đình cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết ông đã qua đời vào sáng 18.10 do biến chứng từ bệnh Covid-19, hưởng thọ 84 tuổi.

Tướng Colin Powell điện đàm qua vệ tinh với Lầu Năm Góc khi đang thăm binh sĩ tại Ả Rập Xê Út tham gia chiến dịch Lá chắn sa mạc năm 1990

Bộ Quốc phòng Mỹ

Trước khi giữ chức ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George W.Bush (Bush con) từ năm 2001 - 2005, ông Powell có 35 năm phục vụ trong quân đội. Ông từng tham gia Chiến tranh Việt Nam và sau đó leo lên vị trí cao nhất trong quân đội là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (1989 - 1993) dưới thời Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha) và Tổng thống Bill Clinton.

Vai trò của ông Powell được ghi dấu ấn với hàng loạt chiến dịch quân sự lớn của Mỹ trong thế kỷ 20, gồm chiến dịch Panama 1989, chiến dịch can thiệp nhân đạo tại Somalia năm 1993. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, ông là người chỉ huy cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 giúp đánh đuổi đội quân Iraq dưới sự lãnh đạo của ông Saddam Hussein khỏi Kuwait.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell qua đời vì biến chứng Covid-19

Trong cuộc chiến này, ông Powell đã áp dụng chiến lược được đặt tên là “học thuyết Powell”. Theo BBC, điểm cốt lõi của học thuyết này là không cần phải đợi đến khi toàn bộ các biện pháp ngoại giao, chính trị hay kinh tế thất bại mới dùng đến sức mạnh quân sự. Thay vào đó, Mỹ sẽ động binh khi thỏa mãn các điều kiện liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia. Và một khi hành động quân sự được tiến hành, phải cần có sức mạnh tối đa để nhanh chóng đánh bại đối phương và giảm thiểu thương vong. Bên cạnh đó, ông Powell cũng nhấn mạnh đến sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Ông Colin Powell và Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney tại Lầu Năm Góc năm 1992

AFP

Ban đầu, ông Powell ưu tiên cấm vận để trừng phạt và kiềm tỏa Iraq. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Bush quyết định ra lệnh hành động, ông Powell lập tức đưa lực lượng khổng lồ đến tấn công quân Iraq.

Khi thông báo với báo chí tại Lầu Năm Góc vào thời điểm khởi đầu cuộc chiến vào tháng 1.1991, ông Powell trình bày ngắn gọn chiến lược của quân đội nhằm đánh bại đội quân của ông Saddam Hussein: “Chiến lược của chúng ta trong việc truy đuổi đội quân này rất đơn giản. Đầu tiên, chúng ta sẽ chia cắt nó ra và rồi chúng ta tiêu diệt nó”. Sự can thiệp của quốc tế bắt đầu bằng loạt không kích ồ ạt và sau đó là cho bộ binh can thiệp. Trong vòng hơn 1 tháng, quân đội Iraq đã bị đánh bại.

Lo ngại những hệ lụy về những hình ảnh phi công Mỹ truy đuổi tàn quân của Iraq đang rút lui, ông Powell đã thúc đẩy việc chấm dứt hiện diện của bộ binh. Tuy nhiên, về sau này, ông Powell và các quan chức cấp cao bị chỉ trích vì chấm dứt cuộc chiến sau khi giải phóng Kuwait mà không tiến quân vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein.

Nhà phân tích quốc phòng Andrew Bacevich đánh giá về ông Powell trong cuốn sách năm 2002 rằng: “Được công nhận nhờ sự thể hiện xuất sắc trong các cuộc can thiệp liên tiếp tại Panama và vịnh Ba Tư, ông Powell vào năm 1992 đã dễ dàng trở thành chủ tịch quyền lực nhất của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân”.

Theo tờ The Washington Post, thành tích trước đó đã giúp ông Powell có được vị trí nổi bật nhưng cuộc chiến tại vùng Vịnh năm 1991 là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.

Nhân vật tiên phong

Xuất thân trong gia đình da đen nhập cư từ Jamaica, ông Powell là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ mang màu da này khi giữ chức này trong chính quyền Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1987 - 1989. Ông là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng đầu tiên người da đen và cũng là người trẻ nhất vào vị trí này, khi mới 52 tuổi. Sau đó, ông trở thành người da đen đầu tiên giữ chức ngoại trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.