Phiên chợ quất ở làng nghề Tứ Liên thường được khai mạc khá sớm, thường là ngày cuối tuần đầu tiên của tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm. UBND phường Tứ Liên là điểm tổ chức khai chợ và khuôn viên ở đây thường lấp đầy những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất sáng tạo từ cây quất.
Có nhiều năm theo đuổi dòng quất bon sai nghệ thuật, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh trình làng tác phẩm nghệ thuật Kim long bạch mã. Đây cũng là cây quất có kích thước cao to nhất hội chợ quất cảnh Tứ Liên với chiều cao gần 3 m.
Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh cho biết, phải mất gần 7 năm chăm sóc mới ra được tác phẩm nghệ thuật này. Quất trồng chậu làm bon sai phải chăm sóc kỳ công, kiên nhẫn uốn từng cành. Chỉ riêng công đoạn tưới tắm, người chăm cây phải căn ke tính toán lượng nước vừa đủ ẩm gốc. “Mùa hè mỗi ngày phải tưới 10 - 15 lít nước, còn mùa đông mỗi ngày tưới 3 - 5 lít nước, tưới đều đặn không bỏ sót ngày nào”, ông Mạnh nói.
Cất công làm ra cây quất độ, ông Mạnh thường chỉ cho thuê chứ không bán luôn cây cho khách. Đây cũng là cây quất nghệ nhân Mạnh cho một khách chơi cây tại Hà Nội thuê với giá 20 triệu đồng. Còn một tác phẩm khác với dáng mẹ bồng con cũng được một khách ở Hải Dương đặt mua với giá 15 triệu đồng.
Cây ghép từ thân đào phối với tiểu cảnh đồng quê Việt Nam cũng là tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà ông Hoàng Văn Đức tâm đắc nhất năm nay. Theo ông Đức, điểm nhấn chính của tác phẩm là gốc đào cổ thụ, những tay quất được trồng trong chậu uốn quanh thân đào. Ngay phía trước gốc cây, ông Đức tỉ mỉ đặt trang trí tiểu cảnh để tác phẩm vừa có nét đẹp hiện đại nhưng cũng chứa đựng những điển tích, điển cố để mong cho người sở hữu cây cảnh có một năm mới bình an, sung túc.
Ông Đức chia sẻ, kết hợp giữa đào và quất hai loại cây cảnh truyền thống của ngày Tết Nguyên đán trên cùng một chậu cây cảnh là điểm nhấn sáng tạo nhưng khi đặt các tiểu cảnh, người làm cây phải tỉ mỉ tính toán tỉ lệ, chia không gian. “Để bất kỳ ai khi ngắm cây này đều cảm nhận được vẻ đẹp chất nghệ thuật mà không bị tiểu cảnh làm rối mắt”, anh Đức nói.
Cũng theo ông Đức, cặp cây quất cảnh ghép với thân đào năm nay được bán thành công một chậu với giá 26 triệu đồng, chậu còn lại cho khách thuê với giá 16 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND phường Phú Liên Lê Văn Thủy cho biết, làng nghề truyền thống trồng quất Tứ Liên những năm gần đây có sự chuyển dịch mạnh mẽ về tư duy sản phẩm. Nếu trước đây, người dân trồng quất ngoài đất bãi với những cây cao, to thì hiện tại chuyển sang xu hướng làm cây nhỏ nhưng theo hướng bon sai nghệ thuật.
"Quất bon sai nghệ thuật cũng giúp người trồng quất có thu nhập cao hơn khi giá bán hoặc cho thuê mỗi cây đẹp có thể lên tới vài triệu đến hàng chục triệu đồng" ông Thủy nói.
Cũng theo thống kê của UBND phường Tứ Liên, nghề trồng quất hàng năm hiện đạt giá trị kinh tế rất cao, mỗi năm đều có doanh thu gần 200 tỉ đồng.
Những cây quất cảnh nghệ thuật nhất luôn được du khách và cả những người trồng quất chờ đợi được chiêm ngưỡng tại phiên chợ hoa xuân hàng năm ở phường Tứ Liên
|
Bình luận (0)