Kiều bào đồng hành cùng đất nước

12/11/2011 00:51 GMT+7

Hơn 8 tỉ USD kiều hối vào năm 2010 là một trong rất nhiều đóng góp của kiều bào trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Hơn 8 tỉ USD kiều hối vào năm 2010 là một trong rất nhiều đóng góp của kiều bào trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người VN ở nước ngoài, do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong nước lần đầu tiên tổ chức đã diễn ra tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 11-13.11. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu đến từ 32 quốc gia.

Trong khuôn khổ hội nghị, tối 12.11, các đại biểu sẽ tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tôi yêu tiếng nước tôi” được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 của Đài truyền hình VN và sẽ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt, Lâm Đồng vào ngày 13.1).

Đoàn kết cộng đồng

 Trong thư gửi hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng các tổ chức người VN ở nước ngoài sẽ không ngừng được củng cố, phát triển, có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo; đồng thời mong muốn cộng đồng Việt kiều luôn đoàn kết, gắn bó, giúp nhau ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân nước sở tại và luôn hướng về quê hương, cùng với đồng bào trong nước xây dựng Tổ quốc VN ngày càng giàu đẹp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương và ghi nhận những đóng góp tích cực của các tổ chức, hội đoàn trong công tác vận động kiều bào vì sự nghiệp chung của đất nước. Phó chủ tịch nước cho biết đến hết năm 2010, đã có khoảng 3.500 doanh nghiệp do người VN ở nước ngoài thành lập hoặc góp vốn đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỉ USD. Năm 2010, lượng kiều hối gửi về VN đạt trên 8 tỉ USD; đến hết quý  3/2011, lượng kiều hối đã đạt khoảng 7 tỉ USD. Trung bình hằng năm có khoảng 0,5 triệu lượt Việt kiều về nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, cho biết: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có trên 4 triệu người sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Đến nay, các tổ chức hội đoàn đã phát triển mạnh. Các hội đoàn đã có nhiều đóng góp về tinh thần, vật chất cho quê hương đất nước”.


Các Việt kiều tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm - Ảnh: Gia Bình

Giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc

Phát biểu tại hội nghị, bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Hội Người VN tại Pháp, cho biết cộng đồng người Việt ở đây đều hướng về quê hương, đất nước, hướng về cội nguồn dân tộc và có nhu cầu, ý nguyện giữ gìn bản sắc dân tộc trong cộng đồng. “Ngoài việc chú trọng dạy tiếng Việt cho con em, hiện chưa có chính sách động viên, thúc đẩy thế hệ thứ hai, thứ ba đóng góp chất xám trong công cuộc xây dựng nước VN giàu mạnh. Những người Việt từ 25-55 tuổi tại Pháp có trình độ học vấn cao, có trình độ khoa học kỹ thuật, có tinh thần tự hào dân tộc. Nếu có chính sách, có kế hoạch mời họ về nước đóng góp ở các ngành trong thời gian ngắn hạn, thì chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư lâu dài bằng cách ưu đãi, mời những sinh viên (con em Việt kiều) về nước tham gia trại hè, lao động cùng thanh niên trong nước hoặc tham gia liên hoan, văn nghệ để các cháu gần thêm với quê hương, ông bà. Ngoài ra, những dịp lễ, tết nên hỗ trợ để các nghệ sĩ trong nước sang tham gia văn nghệ với kiều bào, dạy các cháu múa, hát… để quảng bá văn hóa VN”, bà Thérèse Nguyễn Văn Ký đề xuất.

Ông Cao Văn San - Chủ tịch Hội Người VN tại Thái Lan -  đề nghị Bộ Ngoại giao và các ban ngành liên quan hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cho những người làm công tác hội đoàn; đồng thời cần nghiên cứu, đưa việc giảng dạy tiếng Việt vào trường của nước sở tại cho các cháu từ tiểu học trở lên ở những nơi có điều kiện làm được. Cũng cần có giáo viên chính quy và giáo trình cho giáo viên, sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên học tiếng Việt.   

Chủ tịch Hội Người VN tại Czech Hoàng Đình Thắng đề xuất: “Đảng, Nhà nước và Quốc hội cần tiếp tục có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho kiều bào tham gia nhiều hơn nữa vào đời sống đất nước; khi điều kiện cho phép kiều bào có quyền bầu cử, ứng cử; tham gia vào Quốc hội VN hoặc các tổ chức xã hội khác. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác trực tiếp giữa cơ quan an ninh, tư pháp của nước ta với nước sở tại; phối hợp với các cơ quan liên quan của nước bạn xử lý nghiêm những trường hợp xâm phạm đến tính mạng, tài sản của cộng đồng kiều bào”. 

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.