Kiều bào khắp nơi từ Mỹ, Canada, Úc... rộn ràng đón tết Việt

27/01/2019 13:06 GMT+7

Bận rộn công việc song người Việt ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chăm chút cho Tết Nguyên đán để con cái không quên nguồn cội.

Chợ hoa ngay thương xá Phước Lộc Thọ thuộc khu Little Saigon (bang California, Mỹ) được xem như là linh hồn của tết Việt trên xứ Mỹ mấy chục năm qua với hoa kiểng, bánh trái đa dạng không khác quê nhà. Bà con Việt không chỉ ở quận Cam và các vùng lân cận mà còn từ các tiểu bang miền đông lạnh giá họ cũng có thói quen về California ăn tết, thăm người thân.
Ông Sáu Hào ở bang Florida nói: “Ở Mỹ không đâu có khí hậu ấm áp như nam California, nhất là vào mùa đông lạnh lẽo này thì không đâu đón tết vui bằng Little Saigon, chỉ có ở đây mới thấy hình ảnh, không khí tết sống lại hương vị tết quê nhà ngày xưa”.
Đến nhà bác Hàn Quang Thoạt, một cư dân ở Santa Ana, mà thấy vui trong lòng. Sân sau nhà bác bưởi, quýt, tắc, mãng cầu sai trĩu quả. Vài năm gần đây, người Việt ở nam California trồng được các loại trái cây nhiệt đới như chuối xiêm, ổi, xoài, thanh long, mận, mãng cầu dai, đu đủ…, cộng thêm một số trái cây nhập vào Mỹ như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, vú sữa lò rèn, bưởi Năm Roi. Tất cả làm nên những mâm ngũ quả “cầu sung dừa đủ xài” (nói theo kiểu miền Tây).

Tiếp nối truyền thống gia đình

Gia đình bà Hồng ở Garden Grove hằng năm đều là nơi tụ họp bà con dòng họ ở quận Cam, Los Angeles đến ăn tết, vui chơi kể chuyện tết xưa ở VN. Bà cho biết: “Từ thời ba tôi còn sống đã tổ chức ăn tết sum vầy anh chị em con cháu như vậy, giờ thì đến đời tôi, anh em cô dì chú bác cũng theo thói quen ấy mà làm, cốt để cho con cháu biết tết truyền thống VN là như thế”.
Không khí Tết Kỷ Hợi thấm đẫm chợ người Việt ở Mỹ
Theo anh Đình Quân, chủ nhiệm nhóm múa Việt Cầm, đến tết là các đội múa phải chia ra đi biểu diễn theo đơn đặt hàng, từ hội chợ xuân, cho đến các chương trình ca nhạc đón giao thừa của các chùa, nhà thờ, hội đoàn... Được biểu diễn nhiều nhất là các tiết mục múa áo dài truyền thống, múa quạt, nón lá, múa trống cơm…
Riêng các chùa lớn ở quận Cam như chùa Huệ Quang, chùa Điều Ngự, chùa Bảo Quang luôn tổ chức chương trình đón giao thừa rất linh đình, mở màn là chương trình ca nhạc, trích đoạn cải lương, tấu hài. Đa phần giao thừa năm nào cũng rất lạnh, có những năm mưa nhưng khán giả vẫn rất đông. Vào những ngày đầu năm, người Việt lại xúng xính mặc áo dài đi lễ, chúc tết, lì xì. Thật là hình ảnh tết ta ở xứ Tây thấy rõ!
Trả lời Thanh Niên, anh Trương Công Khả ở Gardena chia sẻ: “Gia đình tôi sang Mỹ đã 11 cái tết. Năm nào tôi cũng mua vài chậu cúc vàng, giò lan, đào hay mai Cali về chưng, mang thêm cặp tre kiểng vào nhà rồi máng câu đối, câu chúc xuân, bao lì xì cho nhà cửa có chút tết”.
Chị Quy Smith ở TP.Alexandria, bang Virginia thì thường cùng chồng người Mỹ đi chùa mùng 1 tết, sau đó đến nhà người thân chúc tết. Nhà người thân chị cũng chưng cây mai, mở nhạc xuân và đặc biệt không thiếu các món ăn truyền thống ngày tết như bánh chưng, chả nem… Những dịp thu xếp được công việc, chị đưa anh về VN ăn tết để hiểu hơn về phong tục tập quán quê hương.
Chị Hoa Nguyễn ở TP.San Jose, California nói nhà chị vẫn duy trì tập tục của người Việt dù sống ở xứ người nhiều năm nay. Chị cũng sắm đầy đủ bánh mứt, mua hoa cúc về chưng trong nhà, thức cúng giao thừa và đi chùa vào ngày mùng 1. Những ngày này, đi chợ Việt chỗ nào cũng rộn ràng nhạc xuân khiến nỗi nhớ nhà của chị càng thêm da diết.
Một tiết mục múa trống mừng xuân của đoàn múa Thiên Ân ở Little Saigon

Tết Việt thấm trong tim

Năm nay là năm đầu tiên anh Nguyễn Lương Hiếu tại TP.Winnipeg (tỉnh bang Manitoba, Canada) ăn tết xa quê. Vài ngày trước, anh đã nhờ ba mẹ mua ít bánh mứt gửi qua. Dù chợ ở đây không thiếu song anh vẫn muốn có chút hương vị quê nhà. Anh Hiếu kể hội chợ tết bán đầy đủ kẹo mứt, bánh chưng, dưa món, thiệp xuân, bao lì xì và có cả ca nhạc đón xuân. Đêm 30 tết, nhà thờ và chùa đều tổ chức đón giao thừa, có múa lân và phát lộc.
“Xa quê, thèm cái không khí rộn ràng mua sắm, hương vị tất niên, mùi sơn mới nhà cửa; nhớ những đường hoa, đặc biệt là những giây phút cùng gia đình đón giao thừa hay đi lễ chùa sáng mùng 1 tết”, anh Hiếu bồi hồi.
Anh nói cũng không sao quên được mùi nhang trầm cúng ông bà tổ tiên suốt 3 ngày tết. Dù ở đây có bán hầu như mọi thứ nhưng không khí ngày tết thì không thể nào có được. Đúng là tết đã đi sâu vào tâm thức của người Việt nên có đi đâu thì vào những ngày này cũng mong được trở về VN dù chỉ ít hôm.
Chị Phương Nguyễn ở TP.Melbourne (Úc) cho hay chùa Việt tại đây tổ chức tết cho cộng đồng người Việt rất xôm tụ. Riêng nhà chị tối giao thừa là đến nhà người thân ăn uống, vui chơi mừng năm mới. Bận rộn với công việc song chị cũng kịp chuẩn bị các món ăn cho mấy ngày tết như thịt kho trứng, dưa giá, dưa món, nem rán cua bể, khổ qua hầm và mua chả giò, lạp xưởng, bánh tét, củ kiệu.
Chị Phương kể ông xã là người Úc nhưng cũng ăn tết với gia đình vợ rất hòa đồng và muốn tìm hiểu về văn hóa VN. Chị kể chồng chị ăn được mọi món ăn tết, đặc biệt rất mê chả giò và thịt kho tàu. Chị cũng dẫn con gái 2 tuổi trong trang phục áo dài đi chùa, dạy bé biết nói cảm ơn khi được người lớn mừng tuổi.
Người Việt sắm áo dài đón tết Ảnh: Trương Công Khả
Sống ở thị trấn Trúc Nam (Đài Loan), anh Trần Ngọc Tánh cho hay người Việt tại đây vẫn giữ truyền thống của quê nhà. Gia đình nào có thời gian thì tự làm các món ăn ngày tết, còn bận rộn vẫn có thể ra chợ Việt sắm sửa. Tại đây, không khí chuẩn bị tết rất náo nhiệt với nhiều lò bánh chưng bánh tét hoạt động suốt ngày đêm. Tương tự, anh Nguyễn Xuân Trường ở St.Petersburg (Nga) kể cộng đồng Việt thường tổ chức lễ hội đón xuân cùng nhau, làm những món ăn như ở VN để nhớ về quê hương. Theo anh Trường, món ăn Việt ở đây rất phong phú, đa dạng và có thể đặt mua ngay tại những nhà hàng Việt.

Tây ăn tết Việt

Theo anh Trương Công Khả, nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm - nơi anh sinh hoạt hằng tuần ở Riverside nhiều năm tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân cho cộng đồng không chỉ VN, mà cả các cộng đồng khác cũng đến tham dự rất hào hứng. Để hòa hợp văn hóa, các mục sư Mỹ cũng mặc áo dài chúc tết và rất thích các tiết mục ca múa áo dài truyền thống, múa trống đồng, đồng diễn trống lân của người Việt. Đặc biệt sau chương trình, họ còn thưởng thức các món ăn đặc trưng ngày tết như bánh tét, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, hủ tiếu - mì xào, thịt kho hột vịt...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.