img

Thuộc biên chế Đại học UC Davis (bang California, Mỹ), giáo sư (GS) Kiều Linh cũng là Giám đốc Trung tâm Sáng kiến nghiên cứu Việt Nam mới của UC Davis, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và khoa học xã hội về Việt Nam đương đại, trong nước và quốc tế, với trọng tâm phát triển kinh tế và chính trị bên cạnh nghệ thuật và văn hóa.

GS Kiều Linh đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu trải rộng các chủ đề khác nhau về người Mỹ gốc Việt, về các vấn đề đương đại của Việt Nam, về thời trang bền vững, áo dài Việt, về thế giới tâm linh, chủ nghĩa xuyên quốc gia, nghiên cứu về người Việt hải ngoại, lịch sử đương đại của người Mỹ gốc Đông Nam Á, nghiên cứu về chủng tộc hỗn hợp, chủ nghĩa xuyên quốc gia.

Trong chuyến về Việt Nam lần này, GS Kiều Linh dành thời gian chia sẻ với PV Thanh Niên những câu chuyện từ thực tế bản thân trong suốt hành trình tìm lại bản sắc chính mình, thông qua những công trình nghiên cứu khoa học cụ thể chị đã và đang thực hiện.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 1.

Sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, có bao giờ chị cảm nhận sự khác biệt hay bị lấn cấn là người Mỹ hay người Việt?

Điều đó thay đổi theo thời gian. Lúc mới sang Mỹ, tôi chỉ 5 - 6 tuổi, khi ấy tôi luôn coi mình là người Việt, vì trong đầu còn nhiều kỷ niệm thời sống với ngoại ở Nha Trang, rồi vào Sài Gòn ở Thủ Đức…; và nói tiếng Việt. Nhưng rồi bố mẹ cấm nói tiếng Việt vì sợ nếu giữ tiếng mẹ đẻ sẽ không nói chuẩn tiếng Anh, và tôi có đến hơn 15 năm không dùng một từ tiếng Việt nào.

Tôi lớn lên ở Mỹ, hợp phong tục Mỹ, nhưng chỉ là người thuộc cộng đồng thiểu số. Ở Mỹ, vấn đề kỳ thị là có và tôi gặp nặng nhất ngay chính trong cộng đồng Việt, vì là con lai. Thời đó con lai thường bị coi rẻ, họ nghĩ bố sẽ là Mỹ, còn mẹ là gái bar, hoặc làm nghề mạt hạng. Trẻ thì tôi chẳng quan tâm, nhưng lớn hơn chút, tôi thấy mình như người Mỹ, khi chơi với bạn bè Việt, hôm nay gặp bạn đến nhà chơi, hôm sau bạn nghỉ chơi bởi bố mẹ bạn không cho giao tiếp khi biết tôi là con lai. Lúc đó tôi lại thấy mình quay trở lại là người Việt, và chuyên tâm học lại tiếng Việt, hoạt động năng nổ, viết các bài thuyết trình về con lai, bắt đầu tìm hiểu văn hóa Việt, về quan hệ Việt - Mỹ.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 2.

GS Kiều Linh rạng rỡ và tự hào trong trang phục áo dài Việt

Vậy còn bây giờ?

Việt toàn phần rồi, nhớ cả năm 1999 tôi chỉ nói toàn tiếng Việt, một hôm nhìn vào trong gương, tự nhiên tôi giật nảy mình, hết hồn vì một bà Mỹ đang nhìn tôi, định thần lại thì đó chính là tôi chứ đâu ai khác. Cũng ngay lúc đó tôi hiểu ra, vẻ ngoài là người mang hình dáng Mỹ, nhưng bên trong nội tâm thì toàn Việt. Thậm chí ngay cả bây giờ, tôi 56 tuổi, sang Việt Nam nhiều người vẫn bảo: Ô, sao cô Tây này tiếng Việt giỏi thế (?!).

Nhiều người lớn lên ở Mỹ bắt đầu tìm lại nguồn cội của mình. Là người trong cuộc, chị có thể lý giải vì sao?

Không chỉ riêng ở Mỹ, nếu nơi nào Việt kiều sống mà được đất nước đó đón nhận mình, thấy mình như người của họ, câu chuyện tìm lại cội nguồn sẽ nhẹ đi. Nhưng nếu ở nơi bạn không thể hòa nhập, bị kỳ thị, phân biệt, lúc đó sẽ tự hỏi mình là ai? Càng về sau này, việc tìm hiểu nguồn gốc trở nên thật dễ dàng, muốn thông tin thì có mạng, muốn hiểu hơn thì về nước chơi, kể cả mất gốc, không liên lạc được bà con thân thuộc, hệ thống thông tin mạng bây giờ cũng giúp tìm ra mọi thứ nhanh chóng. Việc được ăn học ở Mỹ chẳng hạn, muốn tìm lại gốc gác Việt cũng dễ, có ngoại ngữ, hiểu biết nhiều phong tục sẽ là lợi thế để tìm hiểu về Việt Nam nhanh hơn. Đó cũng là những lý do dễ khiến nhiều người tìm về cội nguồn.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 3.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 4.

Nhắc đến Việt Nam, không ít người Mỹ gợi ngay về quá khứ chiến tranh, điều đó bây giờ có còn tồn tại?

Hai chữ Việt Nam ảnh hưởng trong xã hội Mỹ khá nặng. Cho tới giờ, người Mỹ vẫn dùng một thuật ngữ khi nói về chiến tranh là "Hội chứng Việt Nam". Tôi nhìn ở cả hai phía, thấy nhiều sự đổi thay, dù nói về chiến tranh, Mỹ vẫn nói nhiều hơn; còn Việt Nam tập trung vào các vấn đề đổi mới, bình thường hóa quan hệ...

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 5.

Học làm bánh kẹp với bà Nguyễn Thị Đẹp ở xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long

Được biết nhiều phần việc chị làm, cũng mong muốn để người Mỹ (cả người Mỹ gốc Việt - Việt kiều) nhìn khác, nghĩ khác về Việt Nam?

Từ hơn 10 năm nay, tôi muốn mọi người trong và ngoài nước thấy một Việt Nam khác, đúng hơn là cho họ biết điều gì đang làm cho Việt Nam thay đổi? Tôi xây dựng thương hiệu Việt bằng cách đặt ra câu trả lời Việt Nam ở đâu? Việt Nam thế nào? Việt Nam ra sao? Để các giá trị Việt ở khắp nơi, chẳng hạn những doanh nghiệp Việt ở nước ngoài cũng hướng về Việt Nam, để những gì gắn với Việt Nam nội tại, từ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… nó sẵn là của Việt Nam rồi, tôi chỉ khơi dậy, định danh, hoặc tìm ra cho người ta thấy Việt Nam đang thực sự như thế.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 6.

Công việc hiện tại của chị ở UC Davis là gì?

Tôi phụ trách giảng dạy các môn học nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, dạy về cách xây dựng thương hiệu quốc gia, về văn hóa Việt, dạy về thời trang…

Được biết nhiều người Việt ở Mỹ có ý định về lại Việt Nam, một suy nghĩ mà 20 - 30 năm trước là điều không tưởng, vì sao?

Câu hỏi này tôi sẽ cụ thể vào nhóm những người trí thức, có quan hệ tốt với Việt Nam, trong đó có rất nhiều bạn bè cùng trường ĐH Berkeley với tôi. Từ hơn 30 năm trước, khi tôi hỏi có muốn về Việt Nam sống không, câu trả lời ngay lập tức là: Không! Vì họ mới tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định, có thu nhập tốt. 10 năm sau tôi hỏi lại, câu trả lời vẫn lập tức là: Không! Vì con cái mới lớn, cần môi trường học tập. 10 năm sau nữa, vẫn câu hỏi cũ, nhưng nhiều người bảo về, vì con cái lớn rồi, nhìn quanh mình ở Mỹ chẳng có nhiều quan hệ, ở Việt Nam còn họ hàng, bạn bè, anh em, mức sống cũng tốt lên, cần thứ gì cũng có, lương hưu Mỹ đủ trang trải cuộc sống sung túc, thoải mái tiêu xài ở Việt Nam, lại dễ dàng tụ họp bạn bè, tiệc tùng, du lịch…. Và tôi thấy rõ số này ngày càng nhiều, có hẳn những luật sư hỗ trợ giấy tờ, thủ tục, có nhiều người cũng xin về hưu sớm để quay lại Việt Nam.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 7.

Thăm lại những người thím đã nuôi nấng Kiều Linh thời thơ ấu, ở Phú Khánh Trung, Khánh Hòa, 2024

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 8.

Chị nhận định gì về Gen Z trong những chuyến về Việt Nam làm nghiên cứu?

Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ, nhưng với thế hệ Gen Z, tôi thấy họ thích ứng với điều kiện sống rất nhanh. Ví dụ ở thế hệ của tôi, phải sau 40 tuổi mới biết thế nào là sống chậm, biết nhìn lại mình, tự vấn để hiểu mình hơn. Đại dịch khiến các bạn Gen Z mới chỉ mười tám, đôi mươi, bị 2 năm phong tỏa nên có cơ hội nhìn lại mình rất sớm. Trong số họ, không ít người chọn lối sống chậm, sống vừa đủ, cân bằng, biết tận hưởng. Mới đầu tôi đem so sánh với thế hệ mình, và cho rằng các bạn lười biếng, nhạy cảm, ngại khổ cực. Nhưng càng tiếp cận nhiều bạn trẻ Gen Z ở Việt Nam, tôi càng bị thuyết phục bởi việc họ làm thật sự khiến tôi phải tôn trọng và tự hào, thậm chí học hỏi từ họ, bởi họ biết như thế nào là đủ, làm thế nào là phù hợp, biết tự chăm lo cho sức khỏe bản thân, cân bằng tâm lý, làm chủ bản thân.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 9.

GS Kiều Linh cùng nhà làm phim Khoa Phạm tìm hiểu cách trồng và sản xuất cà phê cũng như các loại hình du lịch mới

Ở góc độ khác, người Việt trong căn tính cũng hay rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện mình, do vậy đánh mất nhiều cơ hội. Điều đó bây giờ có đúng?

Người Việt có hai mặt, một mặt rất tự hào vì đã chống bao cuộc chiến ngoại xâm, thắng các nước lớn; ngược lại tâm lý vẫn cứ nghĩ phương Tây giỏi hơn mình. Tôi gọi đó là "tâm lý thực dân", được tự do rồi nhưng tâm lý vẫn bị ảnh hưởng; cứ nghĩ mình làm gì cũng không giỏi bằng phương Tây, việc gì cũng cần có người Tây bên cạnh mới được đánh giá tốt. Tôi lấy ví dụ, muốn con cái học ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, nhiều Việt kiều sinh đẻ ở bên Pháp, bên Mỹ, có bằng cao học về ngôn ngữ, so với ông Tây ba lô tóc vàng, chưa chắc tốt nghiệp đại học, thử hỏi tâm lý sẽ chọn ai. Đa phần sẽ chọn ông Tây, dù trong lòng vẫn biết ông Việt kiều giỏi. Đây là điều tôi muốn hỏi lại: Bao giờ tâm lý ấy mới được thay đổi? Cần thế hệ sau nữa, hay là từ bây giờ?

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 10.
Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 11.

Thời trang đầy cá tính của GS Kiều Linh

Năm 2018, chị tổ chức một hội thảo khoa học lớn ở Đà Nẵng "Từ khả năng đến tầm nhìn và hành động, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam". Sau hơn 5 năm, chị có thấy tín hiệu gì khả quan?

Trong 5 năm qua, đại dịch là phép thử quan trọng cho Việt Nam. Thời gian đầu chống dịch, cả thế giới nhìn về Việt Nam vì là một ví dụ điển hình về chống dịch, được cả thế giới chú ý. Đây là điều hết sức quan trọng. Tôi từng nói với Chính phủ rằng Việt Nam sẽ được các cường quốc nể trọng, nhưng nhiều người nghĩ tôi nói suông, thậm chí cười mỉa. Kỳ thực trong quá khứ, chúng ta đã từng như thế, cuộc chiến của Việt Nam luôn là bài học cho các nước đem ra so sánh giữa hai thế lực mạnh - yếu, kẻ yếu thắng kẻ mạnh chính là Việt Nam. Chúng ta đã từng có "thương hiệu" về chống ngoại xâm, vậy thì các mảng kinh tế, văn hóa, xã hội… nếu quyết tâm đứng đầu thì sao? Và với cốt cách người Việt, dám nghĩ, chắc chắn sẽ dám làm. Do vậy, những nghiên cứu của tôi là tìm cái hay, cái tốt đẹp dù là rất nhỏ, của Việt Nam, để giới thiệu với thế giới, để Việt Nam ngày càng tự tin trong hành động như đã từng.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 12.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 13.

Sinh ra ở Việt Nam, cha mẹ mang các dòng máu Á - Âu, sinh trưởng ở Mỹ, chị có thấy bản thân là một lợi thế cho những nghiên cứu về người Mỹ gốc Á chị đang theo đuổi?

Nhờ đa sắc tộc, tôi sớm hiểu rằng mọi người dù ở thành phần nào cũng đều có khả năng đóng góp cho cộng đồng toàn cầu. Do đó, tôi đã tiếp thu thành công những lý tưởng về lòng khoan dung trong bối cảnh căng thẳng chủng tộc hỗn hợp ở Mỹ, điều đó đưa tôi đến gần hơn với cộng đồng người Mỹ gốc Việt khi tôi đang tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề bản sắc và tích lũy của chính mình.

Từ khi còn trẻ, tôi vẫn nhận thức sâu sắc về những khó khăn mà tôi và các bạn cùng lứa phải đối mặt khi thích nghi với ngôi nhà mới Mỹ. Những chương trình tôi chỉ đạo và tổ chức ở Oakland cho cộng đồng Việt như Gần đèn thì sáng - Hướng Việt dành cho thanh thiếu niên người Mỹ gốc Việt, EMpower - một dự án lãnh đạo dành cho nữ người Mỹ gốc Việt, hay là người lãnh đạo làn sóng mới của các nhà hoạt động vì chủng tộc hỗn hợp vào đầu những năm 1990. Nhờ những nỗ lực đó đã giúp tôi có cơ hội hợp tác sau này với các nhóm như Hiệp hội Nghệ thuật Việt, phối hợp với Viet Arts, triển lãm Áo dài Việt Nam ở Bảo tàng Vải San Jose, tư vấn cho Lễ hội áo dài…

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 14.

GS Kiều Linh trong một hẻm phố được tái sinh ở Đà Lạt

Điều gì khiến chị tập trung nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Việt và thông điệp chị muốn truyền tải?

Tôi dành hơn 15 năm nghiên cứu, phỏng vấn trên 250 người về vấn đề quan hệ Mỹ - Việt. Trước những năm 1990, đây là đề tài rất nhạy cảm, không ai muốn đụng chạm. Tôi hoạt động ở Mỹ còn nguy hiểm hơn, bởi có thể ảnh hưởng đến tính mạng khi dám trực tiếp bàn luận sâu về đề tài này. Nhưng tôi quyết tâm thực hiện, nếu không làm thì lịch sử sẽ lãng quên mất. Câu chuyện quan hệ hai nước, nhìn bên ngoài, đều là chống đối lẫn nhau. Nhưng tìm hiểu sâu ở góc độ văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, vẫn có sự lưu thông, gắn kết rất mật thiết. Nhiều chương trình âm nhạc hải ngoại, đặt bài nhạc sĩ ở Việt Nam viết để bên hải ngoại trình diễn.

Cũng năm 1993, tôi về Việt Nam, nghe một người làm kinh doanh kể chuyện nhiều Việt kiều về mua đất đầu tư và làm mộ phần cho dòng họ, tôi hỏi anh ta họ là Việt kiều ở đâu, chắc chắn không phải Mỹ. Câu trả lời hơn 90% là Việt kiều Mỹ làm tôi bất ngờ. Hóa ra, ghét nhau bên ngoài, về lịch sử quan hệ, về ngoại giao, chứ thực sự đằng sau ấy là kết nối tình thân thật sâu đậm ở nhiều lĩnh vực khác.

Kiều Linh Caroline Valverde: Vị giáo sư 'độc - lạ' nặng tình yêu Việt Nam- Ảnh 15.

Trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị TP.HCM trong lần chạy thử nghiệm

Chuyến trở về Việt Nam lần này, chị đang ấp ủ dự án gì, có thể tiết lộ?

Mỗi lần về, tôi luôn tự hỏi mình, Việt Nam đang có gì đặc biệt, và tự tìm câu trả lời. Nhiều người trong nước nhìn một vấn đề thấy quen, không để ý đến nó, người từ ngoài nước trở về, nhìn vấn đề bình thường ấy, lại nghĩ ra ý hay. Lần này về của tôi, hẻm - ngõ - kiệt là một chi tiết tôi dành nhiều thời gian để khám phá và tìm hiểu. Nhìn ở khía cạnh tâm lý, tôi nhận ra, nhiều người sống trong hẻm lại khao khát một ngôi nhà mặt tiền, họ cảm thấy tự ti khi kể rằng nhà mình ở trong hẻm hóc, xó kiệt nhỏ hẹp. Tôi nghĩ khác, đấy là đặc sản Việt Nam. Hẻm ngõ ở thành thị nó như một làng xã thu nhỏ, mọi người quen nhau vài ba thế hệ, hẻm ngõ đều có lịch sử riêng, có cả ẩm thực hẻm cũng siêu đặc biệt… Hẻm là đời. Nếu đầu tư vào hẻm, làm mới cho hẻm, tạo sắc thái mới, tươi vui, rộn ràng, từ một điểm cụ thể, rồi lan ra cộng đồng, phổ biến khắp cả hẻm - ngõ - ngách - kiệt… biến thành điểm du lịch, khách du lịch sẽ yêu thích tìm đến, vì nó rất Việt Nam. Đây là đề tài tôi quan tâm nghiên cứu và kỳ vọng có nhiều người quan tâm, đầu tư cho hẻm, cho tương lai.

Xin cảm ơn chị!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.