Kín và hở trên thế giới

21/02/2010 11:07 GMT+7

(TNTT>) Nhiều người nghĩ rằng ở phương Tây, nơi phong cách cá nhân được đề cao thì ai muốn ăn mặc thế nào cũng được, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Tại Ý, bạn có thể khỏa thân ở bãi “tắm tiên”, nơi tất cả cùng không che đậy như nhau nhưng nếu mặc khoe nội y trên đường phố thì sẽ chẳng ai hoan nghênh bạn. Năm 2008, thị trưởng Roma Gianni Alemanno đã từng ban quy định cấm gái làng chơi (tại Ý, mại dâm là hợp pháp) ăn mặc hở hang đứng ngoài phố vì có thể khiến giới mày râu mất tập trung khi tham gia giao thông. Các cô gái làng chơi phản đối vì họ cho rằng ăn mặc hở hang là cách tốt để “tiếp thị sản phẩm”. Ngay trong tuần đầu tiên, 100 gái làng chơi và 40 khách hàng bị phạt 200 euro/vụ vì chuyện vi phạm quy định và đến cuối năm 2008, các gái làng chơi không còn dám ăn mặc hở hang thách thức nhà cầm quyền nữa.

Thật ra, lý do giao thông chỉ là một phần trong quyết định của thị trưởng Alemanno. Điều quan trọng là ông không muốn cảnh quan Roma bị nhiễm bẩn. Trước đó, Alemanno cũng từng ra quyết định cấm người vô gia cư ngủ đêm tại các nơi công cộng của Roma. Nếu quyết định này là vô lý thì e rằng Alemanno đã khó tại vị đến giờ. Nhiều công dân Roma ủng hộ hành động Alemanno bởi họ cũng muốn nhìn thấy một Roma trong sạch hơn.

Tại Brazil lúc này là mùa của các lễ hội. Theo truyền thống, các cô gái thường ăn mặc rất hở hang (đồ hai mảnh hoặc thậm chí cởi trần) để đi đầu những đoàn lễ hội tiến vào sân vận động hay diễu hành trên đường phố và chẳng ai phàn nàn. Việc các quý cô tự do khoe thân hình trên bãi biển cũng là chuyện bình thường. Nhưng bạn đừng nghĩ người Brazil dễ dãi trong việc ăn mặc. Ở những nơi trang nghiêm bạn vẫn phải ăn mặc lịch sự nếu không muốn bị tất cả lên án. Cuối năm ngoái, một sinh viên có tên Geisy Arruda đã bị trường ĐH Bandeirante đuổi học vì tội vô kỷ luật khi dám ăn mặc hở hang khi đến lớp. Buổi cuối của Geisy Arruda tại trường Bandeirante, cô ta mặc một chiếc váy hồng siêu ngắn và đã bị hàng trăm bạn học khác la mắng, thậm chí đòi hành hung. Cảnh sát đã phải hộ tống Arruda ra khỏi nhà trường trong sự phẫn nộ của các sinh viên khác.

Nữ diễn viên gợi cảm và nổi tiếng với những cảnh nóng của điện ảnh Thái Lan Chotiros Suriyawong đã bị phạt một tuần lao động công ích, bị đuổi học và chỉ trích nặng nề từ báo chí khi lỡ diện một bộ đồ hở hang tới lễ trao giải điện ảnh Golden Swan vào năm 2007. Ngay khi những hình ảnh này bị công khai trên báo, Chotiros Suriyawong đã bị loại khỏi bộ phim mới nhất của cô. Ngoài ra, ban giám hiệu trường ĐH Thammasat nơi cô đang theo học cũng ra lệnh đình chỉ tạm thời việc học tập của Chotiros.

Đó là ở các quốc gia u-Mỹ, còn tại phương Đông, nơi có nhiều nền văn hóa giao thoa, chuyện ăn mặc hở hang cũng còn nhiều tranh cãi. Hàn Quốc từng có thời áp dụng luật cấm người dân ăn mặc hở hang khi ra ngoài đường và nếu cảnh sát phát hiện người nào ăn mặc để lộ đồ lót có thể tiến hành xử phạt hành chính. Nhưng sau đó luật này không còn tính thực tế khi người dân Hàn ăn mặc ngày càng thoáng hơn. Tất nhiên tại những nơi tôn nghiêm, việc ăn mặc chỉnh tề vẫn được tuân thủ theo lẽ thường.

Với các quốc gia theo đạo Hồi chính thống tại Trung Đông như Ả-rập Saudi, Iraq, Iran, Li Băng, Libya... việc ăn mặc kín cổng cao tường được coi là điều bắt buộc và có luật pháp quy định. Sẽ không có chuyện ăn mặc hở hang tại xã hội Hồi giáo dù ở trong nhà hay ra đường. Tất cả những người phụ nữ đã lấy chồng khi đi ra đường đều phải trùm khăn quanh người và dùng mạng niqab hoặc burqa phủ kín mặt, chỉ được phép để hở bàn tay và đôi mắt. Với các thiếu nữ chưa chồng thì được “ưu tiên” để lộ gương mặt nhưng cũng không được phép để đàn ông nhìn trực diện vào mắt mình. Nam giới có thể mặc đồ tây nhưng họ không được ăn mặc lố lăng. Ả-rập Saudi có 3.500 cảnh sát tôn giáo thuộc Cơ quan tăng cường đức hạnh và ngăn chặn sự đồi bại và nhiều người tình nguyện khác chuyên bắt giữ những ai ăn mặc không phù hợp với Hồi giáo.  Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng, đặc biệt với phụ nữ. Hiện phụ nữ Ả rập đang đấu tranh để được ăn mặc thoáng hơn, được sửa trang phục truyền thống cho phù hợp hơn nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt từ tầng lớp bảo thủ. Vào lúc này phụ nữ Hồi giáo tại một số nước có thể được bơi tại bãi biển nhưng không phải trong bộ bikini siêu nhỏ mà trong bộ burkini (đồ bơi của phụ nữ Hồi giáo) rất kín đáo.

Nhưng việc mặc kín đôi khi cũng bị cấm đoán ở châu u. Một số bang của Đức, Hà Lan và Pháp đã thông qua việc cấm không được mặc đồ niqab hoặc burqa vào trường học vì không muốn xuất hiện biểu tượng tôn giáo trong môi trường sư phạm. Pháp còn cấm không cho phụ nữ Hồi giáo mặc đồ kín mít khi ra nơi công cộng vì nhiều lý do như an ninh, bình đẳng giới...

Rõ ràng ở phương Đông hay phương Tây, việc mặc kín hay hở phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội, với chuẩn mực văn hóa và thị hiếu của người xung quanh. Quan niệm về “hở hang” sẽ thay đổi tùy theo bạn ở đâu, khi nào và xung quanh bạn là ai. Việc ăn mặc suy cho cùng không đơn thuần phục vụ cho ý thích của bạn mà nó còn phải nhận được sự phản hồi tích cực từ xã hội bạn đang sống.

 
Các tay quần vợt nữ thế giới thu hút sự quan tâm của khán giả đôi khi không phải bằng tài năng chuyên môn mà do... chịu khó ăn mặc hấp dẫn để được nổi tiếng và báo giới sẽ săn đón họ nhiều hơn. Alize Cornet (ảnh) là một điển hình. Cô luôn mặc áo khoét cổ thật rộng, váy siêu ngắn lộ hết cả nội y. Đầu năm ngoái, ban tổ chức giải Úc mở rộng đã phải ra quy định nêu rõ rằng những tay vợt nữ nào ăn mặc quá hở hang thì bị phạt tiền khoảng 1.000 euro. Nhưng con số đó quá nhỏ so với lợi ích từ việc ăn mặc hở hang nên chẳng ai sợ.

Bóng đá cũng rất ngại chuyện các cầu thủ nữ ăn mặc hở hang. Sau sự kiện một nữ cầu thủ Mỹ lột áo mặc đồ lót ăn mừng vô địch thế giới năm 1999, FIFA cấm các cầu thủ nữ cởi áo ăn mừng và để cho bình đẳng giới, họ cấm luôn các cầu thủ nam làm điều tương tự.

 
Liên đoàn bóng chuyền thế giới FIVB lại cho rằng mặc hở hang chính là cách tiếp thị tốt đến công chúng. Tại Olympic Bắc Kinh, các VĐV nữ môn bóng chuyền bãi biển buộc phải mặc bikini rất gợi cảm. Fabrizio Rossini, người phát ngôn của tổ chức này, nhấn mạnh: “FIVB luôn xác định bóng chuyền bãi biển là một môn thể thao sexy. Trang phục là một phần của nội dung thi đấu và chúng phải góp phần tạo ra sự hấp dẫn cho các trận đấu”. Cũng vì lẽ đó, bóng chuyền bãi biển nữ luôn thu hút nhiều khán giả hơn các đồng nghiệp nam và là một trong những môn được chụp hình nhiều nhất Olympic 2008. Ngay cả với bóng chuyền trong nhà, FIVB cũng khuyến khích các VĐV mặc quần càng ngắn càng tốt để khoe đùi. Vì chính sách này mà bóng chuyền nữ (đặc biệt là bóng chuyền bãi biển) hầu như không phát triển tại các quốc gia Ả rập.

Anh Tú

Ý kiến

Đúng là chuyện ăn mặc vô ý ngoài đường của chị em làm cánh mày râu hay bị mất tập trung lắm. Ở ngoài đường thì không bị gò bó trong khuôn viên học đường hay công sở nên nhiều cô cứ vô tư mặc áo hai dây, khoe vòng một hay quần trễ cạp khoe đồ hiệu bên trong, thiệt là xốn con mắt. Tất nhiên cũng có không ít cánh mày râu sẽ bám theo ngắm nhưng đừng tưởng bở nhé, thực ra họ cũng không tôn trọng những cô gái như vậy và chưa chắc muốn cưới về làm vợ._TRỌNG TRÍ (34 tuổi, 0913866...)

Đọc mấy diễn đàn tuổi teen mới thấy sợ. Các nữ sinh bây giờ mặc áo dài toàn cố tình chọn nội y xanh đỏ đen rất nổi bật, bung nút và nhất quyết không chịu mặc áo lá... Khổ cho nam sinh nào ngồi gần các nữ sinh nổi loạn này thì sao mà học hành nổi. Áo dài không có tội, vấn đề là ý thức của người mặc. Các em học sinh mà còn "bạo" thế thì huống chi người lớn._BẮC XUN (tieuthu99…@yahoo.com)

Nhân đọc bài Phong tục lì xì - Xem TN TT&GT 6.2.2010

Đọc những dòng về phong tục lì xì của quý báo, tôi thấy xúc động lắm, vì như được gợi nhớ lại hình ảnh của quê hương, của nhà mình và lũ trẻ con. Tôi sống ở Malaysia từ nhiều năm nay nên cũng may mắn được đón Tết âm lịch ở xứ người cho đỡ nhớ nhà, điều thú vị là trẻ con ở Malaysia cũng rất thích và “ham” được tiền lì xì như trẻ con xứ mình. Ở Malaysia phần lớn người Hoa hoặc gốc Hoa sinh sống nên họ ăn Tết khá hoành tráng và rất giống mình, chẳng hạn như phong tục lì xì, trang trí khắp nơi chuộng màu đỏ, nghỉ Tết dài ngày và ăn uống tiệc tùng thật thoải mái... Tôi nghĩ phong bao lì xì màu đỏ chắc chắn sẽ là hình ảnh đáng nhớ của trẻ con Á Đông nói chung._PHẠM NGỌC MINH (Malaysia, chintoongshen...@yahoo.com)

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.